Nông nghiệp

Những cánh đồng "không dấu chân”

Ngọc Quỳnh 06/12/2023 - 06:22

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, hình thành những cánh đồng "không dấu chân”, góp phần giảm sức lao động và chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.

Hơn nữa, cơ giới hóa cũng giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại.

co-gioi-hoa-khau-lam-dat.jpg
Cơ giới hóa khâu làm đất tại xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Ánh Ngọc

Giảm chi phí sản xuất

Những năm gần đây, Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Tại huyện Quốc Oai, Trạm Khuyến nông huyện đã có nhiều hoạt động thúc đẩy cơ giới hóa khâu gieo trồng lúa, chăm sóc rau màu, cây ăn quả. Ông Phan Viết Vinh ở xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) chia sẻ, với 3 mẫu trồng bưởi và ổi, nếu làm đất bằng tay để tạo luống sẽ phải bỏ ra từ 30 đến 35 ngày công lao động, nhưng từ khi có máy làm đất, khâu này chỉ mất 3-4 ngày, tiết kiệm tới 3-4 triệu đồng chi phí...

Tương tự, ở huyện Thanh Oai, nhiều địa phương đã đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) Lê Thị Xiêm cho biết, từ khi hợp tác xã mua máy làm đất, đưa công nghệ mạ khay, máy cấy vào sản xuất, chi phí thuê nhân công trong mùa vụ đã giảm hẳn. Lúa được sản xuất theo mô hình cơ giới hóa đồng bộ không những tăng năng suất khoảng 20-30% mà còn tiết kiệm được giống, thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí đầu vào từ 3 đến 4 triệu đồng/ha/vụ, nên lợi nhuận cao hơn so với phương thức sản xuất truyền thống từ 5 đến 6 triệu đồng/ha/vụ.

“Thực hiện những cánh đồng "không dấu chân" còn giúp khắc phục được tình trạng thiếu lao động, do chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Hơn nữa, người nông dân không phải lội ruộng, hạn chế khả năng mang các mầm bệnh gây hại cho cây trồng phát tán từ cánh đồng này sang cánh đồng khác”, bà Lê Thị Xiêm cho hay.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin, với sự hỗ trợ của thành phố, thời gian qua, các hộ nông dân, hợp tác xã đã đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Không những vậy, việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, giảm hao tổn trong khâu thu hoạch, đẩy mạnh quá trình thâm canh, từng bước hình thành vùng sản xuất lúa, rau màu hàng hóa tập trung, cánh đồng mẫu lớn, khắc phục tình trạng bỏ ruộng của nông dân và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Cần tiếp tục hỗ trợ

Lợi ích của việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã rõ, song trong quá trình triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: Mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ; thiết bị cơ khí động lực mới thích hợp ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng ruộng (giao thông nội đồng, hệ thống tiêu, thoát nước) và việc tích tụ ruộng đất còn nhiều hạn chế, nên chưa thể đưa máy móc lớn, hiện đại vào đồng ruộng...

Để cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp phát huy hiệu quả, đóng góp vào quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở các địa phương, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy đề xuất, ngành Nông nghiệp cần tham mưu cho thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã vay vốn để mua máy móc, trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp nên quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng ở những vùng chuyên canh sản xuất lúa, rau màu, như: Làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương…, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa máy móc vào sản xuất.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin, mục tiêu đến năm 2025, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn thành phố cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi mua các loại máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ được xem xét hỗ trợ 100% phí quản lý (vay vốn từ Quỹ Khuyến nông thành phố), 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh thành phố Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn với thời hạn vay tối đa là 3 năm, mức vay được hỗ trợ tối đa 100% giá trị sản phẩm.

Bên cạnh đó, thông qua các mô hình khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá các loại máy nông nghiệp phù hợp, các thiết bị cơ giới hóa ở các khâu trong sản xuất. Việc tiếp cận phương thức canh tác hiện đại chắc chắn sẽ giải phóng sức lao động, tăng giá trị thu nhập và nâng cao hệ số sử dụng đất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Toàn thành phố hiện có 5.676 máy làm đất, 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 877 máy gặt đập liên hợp... Đến nay, cơ giới hóa trong khâu làm đất của Hà Nội đạt 100% và diện tích lúa được thu hoạch bằng máy đạt 90%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cánh đồng "không dấu chân”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.