Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bữa cơm ấm tình người giữa đại dịch

Nhóm phóng viên| 20/07/2021 15:15

(HNMO) - Dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, ca nhiễm và vùng phong tỏa tăng nhanh. Giữa những lúc khó khăn, tinh thần nhường cơm, sẻ áo, trợ giúp nhau… của các tầng lớp nhân dân thành phố lại được thể hiện sinh động và rõ nét.

Chị Lê Thị Phúc hằng ngày vẫn cùng chị em hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Bình Thuận, quận 7, lo thực phẩm cho bếp ăn từ thiện của Hội.

Hội viên phụ nữ đi đầu

Những ngày qua, căn bếp nhỏ của chị Lê Thị Phúc, hội viên Chi hội phụ nữ, Trưởng bếp ăn Từ thiện khu phố 3, phường Bình Thuận, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh luôn đỏ lửa, chăm lo bữa ăn cho các trường hợp khó khăn, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại bệnh viện. “Tôi nghĩ mình cần làm điều gì đó, trợ giúp lực lượng phòng, chống dịch và những người yếu thế”, chị Phúc nói.

Ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn, chị Phúc đã cùng chị em trong Chi hội phụ nữ tổ dân phố xung phong hỗ trợ việc nấu cơm cho các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ, những người thuê trọ, công nhân có hoàn cảnh khó khăn trong khu cách ly. Khi diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, bảo đảm sức khỏe cho lực lượng tuyến đầu, bếp ăn của chị chuyển qua nấu nước chanh, chanh sả tắc, tiếp sức cho các chốt trực cách ly, điểm lấy mẫu, trạm y tế, cán bộ, chiến sĩ.

Khi khu phố 3 bị phong tỏa y tế, sau vài ngày tạm nghỉ để cơ quan chuyên môn xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho các thành viên trong bếp, chị Phúc lại đi đầu trong việc tiếp sức cho các điểm chốt trực, cán bộ phường những chai nước chanh, chanh sả gừng. Tính đến nay, bếp ăn nhỏ từ thiện của chị Phúc cùng các chị em đã cung cấp hơn 2.500 suất cơm, 2.000 chai nước chanh, chanh sả gừng với kinh phí hơn 50 triệu đồng.

 Bữa cơm nóng sốt hằng ngày được chị em hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phước Long A, thành phố Thủ Đức chuyển đến tay lực lượng phòng, chống dịch.

Còn tại phường Phước Long A, thành phố Thủ Đức, bếp ăn dã chiến của các hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường phục vụ 135 suất ăn/ngày/3 buổi và nấu 300 chai nước uống/tuần cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ban đầu, đây là bếp ăn từ thiện phục vụ người lao động nghèo trong khu vực ăn sáng, với 100 suất ăn sáng chay vào ngày mùng 1 âm lịch, đến nay đã tăng lên 300 suất ăn sáng chay và phục vụ 2 lần/tháng vào mùng 1 và 15 âm lịch. Kinh phí do các chị tự vận động các tổ chức, cá nhân.

Từ đầu tháng 7 đến nay, các chị đã đề xuất với tổ chức Hội và lãnh đạo địa phương cho mở thêm bếp ăn để phục vụ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngoài việc nấu ăn, các chị còn vận động các "Mạnh thường quân" hỗ trợ hơn 2 tấn gạo, 500kg rau củ quả, thịt cá, nhu yếu phẩm phục vụ cho bếp ăn, đi chợ giúp người dân trong khu vực phong tỏa. Hơn thế nữa, các chị còn vận động tặng 400 phần quà cho các hộ trong khu vực bị phong tỏa với tổng kinh phí 80 triệu đồng.

Hội Liên hiệp phụ nữ quận Tân Bình chung tay góp sức cùng "Bếp ăn bà bầu" duy trì các suất cơm từ thiện.

Những bếp ăn đặc biệt

Những ngày qua, “Bếp ăn bà bầu” trong con hẻm trên đường Núi Thành, phường 13, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh (phía sau Bệnh viện Phụ sản thành phố) luôn sôi động. Những người đứng bếp chính là các bà bầu từ nhiều tỉnh, thành phố về con hẻm này ở trọ, chờ khám trước sinh.

Chị Lệ, "bếp trưởng" cho biết, các chị em trong xóm trọ cùng nhau thực hiện bếp ăn từ thiện này, để cung cấp suất ăn đủ dưỡng chất cho các shipper (người giao hàng) cùng trọ trong khu vực. “Thành phố giãn cách, hàng ăn đóng cửa, shipper làm việc cả ngày vất vả. Chúng tôi tranh thủ thời gian phụ giúp các em bữa ăn để có sức đi giao hàng, phục vụ những người khác”, chị Lệ nói.

Đồng hành cùng "Bếp ăn bà bầu", những người chồng đi chăm vợ hay người nhà đi chăm sóc người mang thai… cũng tham gia làm bếp. Cùng với đó, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp phụ nữ quận Tân Bình cũng đã tiếp sức thổi lửa cho "Bếp ăn bà bầu" với những bao gạo, những hộp khẩu trang, trang phục phòng, chống dịch cùng một số rau củ quả. Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ quận Tân Bình cho biết, Hội sẽ thường xuyên đồng hành, cùng các chị duy trì bếp ăn nhiều ý nghĩa này; tăng cường các suất ăn để hỗ trợ cho y, bác sĩ bệnh viện dã chiến.

Suất cơm từ thiện của Khoa Ung bướu, Bệnh viện thành phố Thủ Đức dành tặng bệnh nhân nghèo giữa mùa dịch.

Còn bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện thành phố Thủ Đức lại có cách làm riêng, nhằm giúp đỡ các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện. Theo đó, bác sĩ Vũ và các nhân viên y tế trong khoa đã tiến hành chương trình tặng phiếu ăn (trị giá 30 nghìn/phần, người nhận có thể lấy phần ăn hoặc đổi thành sữa, cháo...) tại căng tin bệnh viện cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại khoa.

Nói về việc mình đang làm để giúp đỡ cộng đồng, bác sĩ Vũ chia sẻ: “Đây là thời gian tất cả mọi người đều khó khăn, nên Khoa Ung bướu cố gắng hỗ trợ cho người bệnh tối đa". Cùng với hỗ trợ suất ăn, Khoa Ung bướu, Bệnh viện thành phố Thủ Đức vẫn đang duy trì việc phát thẻ điện thoại miễn phí cho bệnh nhân. Kinh phí do khoa tự thu xếp.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những bữa cơm ấm tình người giữa đại dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.