Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bệnh trẻ dễ mắc khi thời tiết lạnh

Hương Thủy| 13/12/2019 06:50

(HNMO) - Vào mùa đông, nhiệt độ thường xuống thấp và có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm. Thay đổi nhiệt độ và độ ẩm là những yếu tố nguy cơ làm xuất hiện các đợt nhiễm khuẩn hô hấp. Chính vì vậy, người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh.

Dưới đây là những bệnh trẻ dễ mắc khi thời tiết lạnh mà Ths.BS Nguyễn Văn Tùng, Khoa Nhi, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 chỉ ra.

Cúm

Cúm là bệnh ở hệ hô hấp do siêu vi gây ra, ảnh hưởng đến mũi, cổ họng và phổi. Cảm cúm thường xuất hiện nhanh với dấu hiệu sốt cao, đau cơ khiến cơ thể đau nhức, ê ẩm, ho khan, đau họng, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau đầu. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể biến chứng viêm phế quản, xoang, viêm phổi.

Vào mùa lạnh, trẻ dễ bị viêm đường hô hấp, đặc biệt là viêm họng. Vì vậy, cha mẹ chú ý giữ ấm bàn tay, bàn chân, ngực, đầu, cổ cho trẻ. Ảnh minh họa: Internet

Cảm lạnh

Bệnh có biểu hiện sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau họng, ho, đau đầu và có thể sốt. Cảm lạnh gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau và có thể xảy ra quanh năm, nhưng thường gặp nhất trong những tháng mùa đông. Tình trạng bệnh bị nặng trong 3-5 ngày đầu, sau đó, triệu chứng diễn tiến chậm hơn và bệnh thường sẽ khỏi sau khoảng 10 ngày. Bệnh gây khó chịu cho người mắc. 

Viêm họng

Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm ở niêm mạc họng, do môi trường không sạch, nhiều khói bụi, ẩm thấp và do thời tiết lạnh. Bệnh có những triệu chứng điển hình như: Sốt, khô và đau rát cổ họng, ho khan hoặc ho có đờm, chảy nước mũi, đau đầu. Bệnh có thể gây biến chứng viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm VA, viêm phế quản, viêm phổi.

Viêm phế quản

Đây là bệnh nhiễm trùng phổ biến đường hô hấp ở trẻ nhỏ do virus. Bệnh thường xảy ra với trẻ dưới 12 tháng tuổi. Các triệu chứng bao gồm nghẹt mũi, ho, sốt nhẹ và thở khò khè. Virus hợp bào hô hấp, một loại virus đặc biệt, là nguyên nhân phổ biến gây viêm phế quản, mặc dù nhiều loại virus khác nhau có thể gây bệnh này.

Bệnh thường bắt đầu tương tự như cảm lạnh thông thường và sau đó có thể tiến triển thành bệnh nghiêm trọng hơn với dấu hiệu thở khò khè, khó thở và mất nước. Tương tự như cảm lạnh, các triệu chứng có xu hướng xấu đi trong vài ngày đầu và sau đó từ từ cải thiện. Trẻ mắc bệnh này có thể điều trị tại nhà, nhưng những trẻ khó thở hoặc mất nước cần nhập viện. 

Viêm thanh quản

Là tình trạng viêm niêm mạc của thanh quản kéo dài. Nguyên nhân có thể do cúm đơn thuần hoặc vi khuẩn. Viêm thanh quản thường xuất hiện đột ngột vào giữa đêm. Trẻ thường ho khan, âm sắc cao. Trẻ có thể phát ra tiếng động lớn trong khi thở, bác sĩ gọi là tiếng khò khè; thở rít thanh quản, gọi là viêm thanh quản co thắt. Thông thường, các triệu chứng của viêm thanh quản sẽ được cải thiện khi bệnh nhân tiếp xúc với không khí khô mát. 

Trẻ em bị viêm thanh quản cần được theo dõi cẩn thận vì bệnh dễ gây khó thở, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Bệnh thường được điều trị bằng khí dung và thuốc steroid. 

Viêm phổi

Không giống như các bệnh mùa đông thông thường khác, viêm phổi thường do nhiễm vi khuẩn. Bệnh có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Đôi khi bệnh bắt đầu như bệnh cảm lạnh, sau đó có dấu hiệu nặng hơn. Nếu trẻ bị cảm lạnh trong vài ngày và đột nhiên bị sốt cao, ho nặng hơn, đây có thể là dấu hiệu của viêm phổi, cần được đưa đi khám. Bệnh viêm phổi có thể được điều trị ngoại trú bằng kháng sinh, nhưng các trường hợp nặng hơn sẽ phải nhập viện.

Để phòng chống các bệnh trên, Ths.BS Nguyễn Văn Tùng khuyến cáo các cha mẹ cho trẻ tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch với những bệnh đã có vắc xin phòng. Cùng với đó, giữ ấm bàn tay, bàn chân, ngực, đầu, cổ của trẻ; cho trẻ uống nước ấm và không cho ăn đồ lạnh; bổ sung cho trẻ thực phẩm giàu protein, vitamin C từ hoa quả, rau xanh; tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, cần giữ môi trường không khí trong nhà sạch sẽ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những bệnh trẻ dễ mắc khi thời tiết lạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.