(HNMCT) - Hỏi: Trong các bệnh cúm mùa, nhiều người cho rằng cúm A nặng hơn cúm B, cũng dễ lây lan hơn. Nếu mắc cúm B thì chỉ cần tự điều trị tại nhà là sẽ hồi phục, không để lại nhiều biến chứng. Xin hỏi bác sĩ, điều này có đúng không, và có thể phòng bệnh cúm B bằng cách nào? Trần Duy Quang (Gia Lâm, Hà Nội)
Đáp: Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.
Bệnh cúm B tiến triển thường lành tính, tuy nhiên, ở người có bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi và trẻ em có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn, đặc biệt là có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Với các triệu chứng dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, nhiều người bệnh thường chủ quan, dẫn đến các biến chứng khi nhiễm cúm B. Vì vậy, nếu người bệnh có các biểu hiện nghi ngờ thì cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh để bệnh kéo dài và nặng thêm, dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Tùy từng trường hợp, các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể, với cúm B có biến chứng thì sẽ được nhập viện để điều trị. Cúm B chưa biến chứng có thể không cần xét nghiệm hoặc điều trị cúm tại cơ sở y tế nếu biểu hiện triệu chứng nhẹ. Nếu triệu chứng nặng lên hoặc người bệnh lo lắng về tình trạng sức khỏe thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc.
Để chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa, mọi người cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng, nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng; đặc biệt cần tiêm vắc xin cúm mùa...
Bác sĩ Lê Trương Tuyết Minh
Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.