Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bế tắc được dự báo

Trung Hiếu| 31/10/2012 05:46

(HNM) - Lệnh ngừng bắn ở Syria, do đặc phái viên Liên hợp quốc - Liên đoàn Arab (AL) Lakhdar Brahimi đề xuất, có hiệu lực trong 4 ngày (từ 26 đến 29-10) trong thời gian diễn ra lễ Eid al-Adha linh thiêng, Lễ Hiến sinh của người Hồi giáo, đã thất bại thảm hại.


Mặc dù, cả hai phía ở Syria - quân chính phủ lẫn lực lượng nổi dậy - đều tuyên bố ủng hộ, nhưng tiếng súng vẫn vang lên, thậm chí con số thương vong còn tăng gấp bội trong những ngày qua đã phủ bóng đen rộng lớn hơn lên viễn cảnh của quốc gia Trung Đông này. Trước những gì diễn ra, ngày 29-10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon đã bày tỏ thái độ vô cùng thất vọng; đồng thời kêu gọi lực lượng chính phủ và các nhóm đối lập chấm dứt giao tranh ngay lập tức. Người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh này nói rằng, cuộc khủng hoảng không thể giải quyết bằng vũ khí và sự đổ máu thêm nữa.


Bạo lực vẫn leo thang bất chấp lệnh ngừng bắn, đã và đang đẩy Syria vào cuộckhủng hoảng trầm trọng không lối thoát.

Trong một diễn biến mới, ngày 29-10, với lý do các "phần tử khủng bố" đã đi quá xa, vi phạm trắng trợn thỏa thuận ngừng bắn, quân đội Syria đã mở 60 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của quân nổi dậy trên khắp Syria. Đây là đợt oanh tạc có cường độ lớn nhất ở Syria nhằm vào lực lượng chống đối kể từ khi cuộc nổi dậy bùng phát 19 tháng trước. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (OSHR), ít nhất 500 người đã thiệt mạng trong khoảng thời gian 4 ngày khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực. Riêng trong ngày 29-10 có ít nhất 80 người thiệt mạng. Một con số ngoài sức tưởng tượng với cộng đồng quốc tế. Trước đó, ngày 28-10, quốc gia này đã chìm trong bạo lực với các vụ đánh bom xe, không kích, giao tranh giữa quân chính phủ với lực lượng chống đối. Dư luận chung cho rằng, sáng kiến của đặc phái viên L.Brahimi đã thất bại "từ trong trứng nước".

Vấn đề ở đây là hai phía đã chưa tạo dựng được niềm tin. Phe đối lập được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các cường quốc bên ngoài nên không dễ gì chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với chính quyền Damascus. Cùng với đó, các chiến binh nước ngoài liên tục xâm nhập vào quốc gia Trung Đông này, tiến hành các hành động chống phá, lũng đoạn cùng với quân nổi dậy chống chính phủ đã và đang làm cho tình hình tại Syria thêm rối ren, buộc chính phủ phải lựa chọn giải pháp trấn áp mạnh. Thậm chí, ngay từ đầu khi đưa ra sáng kiến hòa giải, ông L.Brahimi cũng đã không chắc chắn về khả năng cuộc hòa giải được thực hiện.

Rõ ràng, hy vọng ban đầu về một lệnh ngừng bắn đã "tan thành mây khói". Sự đổ vỡ này đã không giúp cộng đồng quốc tế nối lại các hoạt động cứu trợ nhân đạo, không thể thực hiện bước đi tiếp theo nhằm hướng tới chấm dứt bạo lực tại Syria theo tinh thần các Nghị quyết 2042 và 2043 của Hội đồng Bảo an về Syria. Trong khi đó, áp lực bên ngoài lên chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad vẫn không hề vơi giảm. Dọc biên giới dài 900km, tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, những tuần gần đây, Ancara đã tăng cường triển khai quân gây áp lực lên Damascus. Đồng thời, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đang soạn thảo kế hoạch bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ, nước thành viên khối quân sự này. Dư luận cho rằng, chỉ cần một "cái cớ" là có thể nổ ra một cuộc can thiệp vũ trang từ bên ngoài vào Syria. Nếu vậy, nó sẽ khiến cuộc khủng hoảng trở nên phức tạp, khó giải quyết. Trong khi phương Tây và một số quốc gia Arab bị cáo buộc hỗ trợ lực lượng chống đối thì hiện tại có thông tin cho biết, chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad được các đồng minh như Iran hỗ trợ. Chắc chắn, với tình hình như hiện nay, cuộc khủng hoảng tại Syria thật khó có được điểm dừng trong tương lai gần.

Dự kiến, vào tháng 11 tới, đặc phái viên L.Brahimi sẽ đưa ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc những đề xuất mới nhằm thúc đẩy đối thoại giữa Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và phe đối lập. Trong tuần này, ông L.Brahimi tiếp tục các hoạt động ngoại giao con thoi; theo đó, ông sẽ tới Nga và Trung Quốc để thảo luận về vấn đề Syria. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, nỗ lực của đặc phái viên L.Brahimi vẫn sẽ chỉ là "dã tràng xe cát" khi các bên liên quan tại Syria vẫn chưa tìm được "tiếng nói chung”. Thêm nữa, lời kêu gọi Tổng thống Bashar Al-Assad - một nhân vật đang có vai trò quyết định tại Syria - từ chức vẫn chưa ngớt từ phương Tây thì mong muốn hóa giải cuộc khủng hoảng Syria của đặc phái viên L.Brahimi sẽ tiếp tục đối mặt với không ít thử thách mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bế tắc được dự báo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.