(HNM) - Thời gian gần đây, tình trạng xây nhà sai phép, không phép đang ngày càng nhiều hơn trên địa bàn TP, đặc biệt ở các huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè... Chính quyền nhiều địa phương thừa nhận, không thể kiểm soát hết tình trạng này.
Căn nhà số 726 thuộc ấp 6 đường Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, (giáp ranh với tỉnh Long An) rộng khoảng 100m2, xây kiểu nhà ống, kiên cố. Căn nhà mọc lên ngay giữa bãi đất rộng mênh mông và dễ nhận thấy đó là khu đất ruộng vừa được san lấp. Gần đó, một loạt những ngôi nhà khác cũng được xây dựng dọc con đường; nhiều lô đất trống đã được xây móng tạm và quây hàng rào nằm rải rác khắp nơi. Theo phản ánh của một số người dân, căn nhà nói trên xây dựng xong vào giữa năm 2011, không có giấy phép nhưng vẫn cứ hiên ngang tồn tại mà không thấy cơ quan chức năng "hỏi thăm". Tuy nhiên, ông Thiều Văn Se, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B lại khẳng định: "Cách đây 3 năm, miếng đất trên được gia chủ mua diện đất thổ cư, sau đó, chính quyền đã làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng để họ xây cất hợp pháp. Chính quyền đã làm đúng trình tự và thủ tục theo quy định của pháp luật". Ông Se cũng thừa nhận "con số xây nhà trái phép, không phép hằng năm đều tăng".
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ - đo đạc - xây dựng - tư vấn bất động sản Hoàng Thành (địa chỉ đường Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc B), cho hay, đất ở đây rất dễ mua, loại đất hay diện tích bao nhiêu cũng có, kể cả thủ tục làm giấy phép xây dựng, tách sổ đỏ, sổ hồng, sẽ hướng dẫn từ A tới Z, chỉ tùy vào túi tiền và sở thích của người mua.
Trong khi đó, phóng viên Báo Hànộimới có nhận được phản ánh của ông T.V.T (ngụ tại quận Bình Thạnh), hiện là giảng viên tại trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Ông T. cho biết, cách đây 7 năm (năm 2005) có mua 60m2 đất theo hình thức giấy tay (đất không phép) tại tổ 6, khu phố 1, phường Linh Trung, quận Thủ Đức. Đến cuối năm 2009, đã xây dựng nhà cấp bốn trên phần đất này thì Thanh tra xây dựng phường Linh Trung đến tháo dỡ. Tuy nhiên, gần chỗ đất mình đang xây cũng có một nhà được xây cất lên trong diện không phép đã nhiều năm nay nhưng không bị chính quyền phường đụng đến, khiến ông rất bức xúc.
Đại diện UBND phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thông tin, do ông T. xây dựng nhà trên đất không phép nên lực lượng Thanh tra xây dựng phường đã đến lập biên bản, ra quyết định đình chỉ thi công và yêu cầu ông tự tháo dỡ công trình vi phạm trong vòng ba ngày. Vì ông không chấp hành nên phường đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo đúng thủ tục quy định. Còn đối với căn nhà mà ông T. nêu đã tồn tại từ lâu và có giấy phép. Chủ nhà có xin phép phường sửa chữa lại theo hiện trạng cũ, thế nhưng khi sửa chữa đã tự ý xây dựng quá diện tích (xây sai phép). UBND phường đã có văn bản đề nghị đình chỉ thi công và yêu cầu chủ nhà tự tháo dỡ phần lấn chiếm. Và hiện tại chủ nhà trên đã chấp hành đúng theo quyết định của UBND phường.
Thiếu cán bộ chuyên trách cơ sở
Trao đổi trực tiếp với phóng viên, ông Lê Xuân Tùng - Phó Chủ tịch UBND phường Linh Trung, quận Thủ Đức, cho hay, năm 2011, trên địa bàn phường có 54 hộ dân bị cưỡng chế do xây nhà không phép và sai phép. So với cùng kỳ năm ngoái, đầu năm 2012 tăng 6 trường hợp. Trong đó, có trường hợp phải cưỡng chế nhưng cũng có trường hợp chính quyền xuống trực tiếp vận động và họ đã tự ý thức tháo dỡ.
Phần lớn người dân xây sai phép xây dựng trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm hành lang và đất quy hoạch. Đơn cử, hiện trên địa bàn phường có khoảng 200ha đất quy hoạch thuộc Khu đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, hiện nay thẩm quyền của phường trong việc xử phạt hành chính xây dựng nhà sai phép và không phép tối đa chỉ 2 triệu đồng/trường hợp. Như vậy là quá thấp, không đủ sức răn đe, khiến tình trạng trên không giảm qua từng năm.
Nguyên nhân chính vẫn là do nhận thức của người dân, bởi trên địa bàn phường có 2/3 dân nhập cư, chủ yếu sinh viên và dân lao động thu nhập thấp. Tâm lý của họ là mua một miếng đất với giấy trao tay có thể hơn 100 triệu để ở chứ không muốn thuê trọ. Mặt khác, hiện nay lực lượng cán bộ chuyên trách của phường lại mỏng và thiếu quân số, không có thanh tra viên mà chỉ là lực lượng cộng tác viên thanh tra với 9 thành viên. Những trường hợp này làm theo hợp đồng do quận quản lý và phân bổ xuống phường. Đáng nói, lực lượng này làm việc thất thường và yếu về năng lực do chế độ lương thấp lại không được đào tạo chính quy, ông Tùng nêu rõ.
Theo Nghị định 23/2009/ NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng quy định mức phạt hết khung đối với những vi phạm xây dựng không phép lên tới 30 triệu đồng, thậm chí đối với trường hợp tái phạm có thể phạt đến 500 triệu đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.