(NSHN) - Những năm gần đây, tại khu vực ngoại thành Hà Nội, nhất là các vùng ven đô, nhu cầu của các hộ dân về xây dựng nhà ở kiên cố, cao tầng rất lớn. Theo đó, nghề đổ bê tông thuê rất thịnh hành, tạo việc làm với mức thu nhập khá cho một lượng lao động không nhỏ ở nông thôn.
Nhanh nhạy với nhu cầu của thị trường
Ông Lại Văn Tuyền, một chủ thầu xây dựng (quê ở tỉnh Hà Nam) cho biết, mấy năm gần đây, ông chuyên nhận thầu xây dựng các công trình nhà ở của các hộ dân tại các vùng lân cận quận Hà Đông. Hầu hết các công trình xây dựng cao 3 - 4 tầng, với diện tích bình quân 50 - 70m2/sàn.
Theo ông Lại Văn Tuyền, sự chuyên nghiệp hóa trong xây dựng nhà ở tại các vùng quê ngày càng rõ nét. Cụ thể, chủ thầu xây dựng nhận khoán công trình, sau đó tổ chức, chỉ đạo thợ xây thi công. Trong quá trình thi công xây dựng nhà ở kiên cố, cao tầng phải đổ bê tông móng, mái (sàn) nhà, do các công trình này thường nằm sâu trong khu dân cư, đường sá chật hẹp nên không thể thuê xe ô tô chở bê tông trộn sẵn, mà phải dùng máy trộn bê tông nhỏ ngay tại chân công trình.
Tuy nhiên, vì tính chất công việc hay phải di chuyển nay đây, mai đó nên hầu hết các chủ thầu xây dựng nhà ở đơn lẻ không thể đầu tư mua sắm cốp pha, máy trộn bê tông. Do đó, để đáp ứng công việc, các chủ thầu xây dựng khi thi công công trình ở đâu thì thuê cốp pha, máy trộn bê tông ở đó…
Đáp ứng nhu cầu thực tế đó, tại các vùng quê ngoại thành Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều các chủ máy trộn bê tông và các tốp thợ chuyên đổ bê tông thuê. Để có việc làm thường xuyên, các chủ máy trộn bê tông có mối liên hệ chặt chẽ với các chủ thầu xây dựng, hoặc người chuyên cung cấp cốp pha, vật liệu xây dựng ở các vùng quê.
Vất vả nhưng thu nhập khá
Ông Nguyễn Văn Tân, quê ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) - chủ máy trộn bê tông thuê cho biết, 6 năm trước, ông đi làm phụ hồ cho các tốp thợ xây tại các xã quanh khu vực Hà Đông. Trong quá trình làm phụ hồ, ông nhận thấy nghề đổ bê tông thuê có nhiều tiềm năng phát triển, lại cho thu nhập khá nên đã mạnh dạn gom góp tiền mua máy trộn bê tông.
Mấy năm gần đây, khu vực ven đô thuộc các huyện: Thanh Oai, Thanh Trì, Hoài Đức có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu xây dựng nhà ở kiên cố, cao tầng của người dân ngày càng lớn. Bởi vậy, sau khi mua máy trộn bê tông với giá hơn 30 triệu đồng, vợ chồng ông Tân đã quyết định thuê nhà ở khu vực cầu Bươu (huyện Thanh Trì) để tiện cho công việc. Trung bình mỗi tháng, ông Tân nhận 35 - 40 ca máy trộn bê tông, thu về 600 - 800 nghìn đồng/ca máy.
Nghề đổ bê tông thuê không đòi hỏi người làm phải có trình độ kỹ thuật cao, nhưng cần có sức khỏe tốt. Tuy làm nghề này rất vất vả, nặng nhọc, nhưng bù lại cho thu nhập khá hơn so với nhiều nghề lao động phổ thông khác. Bình quân một nhóm đổ bê tông thuê gồm khoảng 8 người, mỗi người đảm nhận một công việc khác nhau: Người xúc đá, người xúc cát, người vác xi măng, người vận chuyển bê tông thành phẩm bằng xe “rùa” đến công trình… Phần việc vận hành máy trộn bê tông do chủ máy đảm nhận.
Mọi người trong dây chuyền đổ bê tông thuê phối hợp với nhau rất nhịp nhàng; hoạt động liên tục để bảo đảm chất lượng bê tông trong quá trình đổ. Thời gian đổ bê tông phụ thuộc vào diện tích móng nhà, diện tích mái (sàn) nhà rộng hay hẹp, nhưng thường dao động trong khoảng 3 - 4 giờ. Bình quân mỗi ca đổ bê tông được trả 1,5 - 2 triệu đồng (tương ứng với khối lượng 8 - 10 m3 bê tông). Chi phí này do chủ thầu xây dựng trả. Ngoài ra, chủ nhà còn bồi dưỡng thêm cho mỗi người đổ bê tông thuê khoảng 50 - 70 nghìn đồng. Như vậy, sau mỗi ca đổ bê tông thuê, trừ chi phí cho chủ máy, mỗi người lao động thu về khoảng 200 - 250 nghìn đồng.
Ông Trần Văn Mẽ (quê ở tỉnh Thái Bình) - trưởng một nhóm đổ bê tông thuê chia sẻ: “Những năm trước, tôi và một số người cùng quê tham gia “chợ” lao động ở cầu Tó thuộc địa bàn huyện Thanh Trì. Thời điểm đó, thu nhập vừa thấp, vừa bấp bênh, gần như suốt ngày phải đứng, ngồi vạ vật ở ngoài đường để chờ người thuê công việc. Mấy năm gần đây, trước nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều, chúng tôi đã lập ra nhóm chuyên đi đổ bê tông thuê".
Nhóm của ông Mẽ gồm 16 người ở các tỉnh khác nhau. Để có việc làm thường xuyên, bảo đảm thu nhập cho mọi người, nhóm duy trì quan hệ chặt chẽ với các chủ máy trộn bê tông (3 - 5 chủ máy). Hằng ngày, nhóm chia thành 2 tổ, tỏa đi khắp các thôn, xóm quanh vùng để đổ bê tông thuê. Bình quân mỗi người trong nhóm đảm nhận khoảng 70 ca đổ bê tông thuê mỗi tháng, cho thu nhập 13 - 15 triệu đồng/tháng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.