(HNM) - Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội khoác lên mình một diện mạo đô thị hiện đại, khang trang và năng động. Tuy vậy, bản chất người Hà Nội vẫn thân thương, trìu mến với cốt cách riêng vốn có. Những ngày này, nhiều người con Hà Nội đang sống tại TP Hồ Chí Minh nhớ về Thủ đô trong niềm tự hào ấy cùng niềm tin sâu sắc
Mừng vui cùng nỗi nhớ quê
Chị Nguyễn Tuyết Thảo (sinh năm 1985), sinh ra và lớn lên tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, thuộc Hà Tây cũ. Năm 2003, chị Thảo quyết định xa quê để vào TP Hồ Chí Minh học tập. Ngày chị Thảo lấy bằng đại học cũng là ngày quê hương chính thức hợp nhất với Hà Nội. Chị Thảo nhớ lại: “Mẹ tôi đã gọi cho tôi cuộc gọi rất lâu để thông báo việc này và mong mỏi tôi sẽ sớm trở về, có những cơ hội việc làm tốt hơn để gần gia đình".
Mặc dù xa quê đã lâu nhưng họa sĩ Lại Long luôn đau đáu nhớ về Hà Nội. |
Thương mẹ, nhớ quê nhưng chị Thảo lại bén duyên với một chàng trai miền Nam nên ở lại TP Hồ Chí Minh đến hôm nay. Làm việc cho một công ty truyền thông, bận rộn với cuộc sống mưu sinh hằng ngày nên số lần chị Thảo được về thăm quê càng thưa dần. Quê hương chị đã ngày một thay da đổi thịt. Thảo tự hào kể: “Việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội giúp cuộc sống người dân xã Cự Khê quê tôi đổi thay nhanh chóng nhờ được đầu tư hạ tầng giao thông, các nhu cầu tối thiểu như trường học, y tế, dịch vụ cũng đều tốt hơn. Trẻ em trước kia phải men theo lối đường đất để đi học thì nay đi lại rất thuận tiện. Trạm xá cũ kỹ năm xưa đã được xây mới, có thêm nhiều trang thiết bị. Chỉ trong thời gian ngắn đã có khoảng 300 ngôi nhà cũ được xây dựng khang trang. Nông dân được chuyển đổi sang nghề dịch vụ, buôn bán...”.
Còn nhà báo Đoàn Đại Trí (sinh năm 1983), hiện công tác tại Cơ quan đại diện Báo Đại Đoàn Kết tại TP Hồ Chí Minh cũng từng là sinh viên rời xa quê hương đi học tập. Tuổi thơ của Đoàn Đại Trí gắn liền với ngôi làng nhỏ ven dòng sông Đáy ở xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa). Ngoài ký ức êm đềm bên dòng sông, anh còn có nhiều năm ở trọ tại thị xã Hà Đông (cũ) để học tập. Khi nhận tin quê hương chính thức hợp nhất với Hà Nội anh đang là sinh viên của một trường đại học ở miền Trung. Anh nhớ lại: “Tôi vui mừng bởi quê hương mang tên Thủ đô Hà Nội, vùng đất tự hào của cả nước”.
Thấm thoát đã 10 năm trôi qua, thế hệ sinh viên năm xưa như anh Trí nhận ra nhiều thay đổi của vùng đất này, không chỉ ở cái tên gọi mà còn là tầm vóc của nó. Làng quê bên dòng sông Đáy liên tục phát triển. Mảnh đất Hà Đông năm xưa - nơi anh trọ học - giờ thay đổi mạnh mẽ. Những tên gọi, địa danh mới xuất hiện cùng với những con đường, chung cư, khu đô thị hiện đại. “Cách đây khoảng hơn một năm tôi trở về thăm Hà Nội. Ngồi trên xe taxi đi ngang tuyến đường mới mở từ khu Bệnh viện Quân y 103 về quê mà không sao hình dung nổi nơi đây mình đã từng ở trọ. Những địa danh như Đa Sĩ, Kiến Hưng, Xa La thì vẫn vẹn nguyên nhưng sự khang trang, mới mẻ hơn đã hiện diện ở nhiều nơi”, anh Trí cho biết thêm.
Tự hào, tin yêu gửi gắm
Đối với những thế hệ trước đó, ông Trần Đình Long (54 tuổi, vào TP Hồ Chí Minh từ năm 1997) cho biết, quê nội ông ở huyện Thường Tín, quê ngoại ở huyện Phú Xuyên thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Sau khi hợp nhất với Hà Nội, bà con ở Thường Tín và Phú Xuyên rất tự hào trở thành công dân Thủ đô. Dù là “người đô thị”, họ vẫn giữ nét chất phác làng quê, thân thương, trìu mến, trân trọng tình làng nghĩa xóm đồng thời tiếp thu nếp ứng xử văn minh, hiện đại. Quả vậy, trước đây quê ông là "làng", nay đã trở thành “phố”, hạ tầng giao thông khang trang, hiện đại, đường bê tông rộng, ô tô vào tận từng nhà. Đời sống vật chất của người dân khá giả, kinh tế địa phương phát triển hơn xưa rất nhiều.
Điều khiến ông Trần Đình Long tâm đắc là giới trẻ quê nhà hiện nay sống có hoài bão hơn. Minh chứng là ở Thường Tín quê ông, từ làng nghề sản xuất chăn bông, gối đệm chủ yếu làm thủ công, khoảng 10 năm trở lại đây đã được những người thợ trẻ đầu tư thiết bị máy móc với công nghệ tự động hóa gần như hoàn toàn. Sản phẩm làm ra không những bán vào khu vực phía Nam mà còn xuất khẩu đi Lào, Campuchia. Những con em khác không làm kinh tế thì ra sức học tập, phấn đấu bằng năng lực để được làm trong cơ quan nhà nước phục vụ nhân dân; có những người làm chủ tịch xã, chủ tịch phường khi tuổi đời còn khá trẻ. “Dường như trở thành công dân Thủ đô họ có ý thức hơn về tương lai, về nghĩa vụ của mình nên sống có ích cho gia đình và xã hội hơn”, ông Trần Đình Long tự hào nói.
Trong khi đó, là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, họa sĩ Lại Long (60 tuổi, vào TP Hồ Chí Minh từ năm 1993) lại rất tâm huyết với lĩnh vực văn hóa của Thủ đô. Ông mong muốn phát triển kinh tế phải gắn liền với giữ gìn văn hóa vốn có của Hà Nội nghìn năm văn hiến. Họa sĩ Lại Long cho rằng, điều không thể phủ nhận là sau khi mở rộng địa giới hành chính, kinh tế - văn hóa - xã hội của Thủ đô đã thay đổi rõ nét. Nhiều công trình kiến trúc mới mọc lên, tạo nên diện mạo một đô thị vừa cổ kính vừa hiện đại. Nền kinh tế mở, giao thương tấp nập hơn, theo đó những dịch vụ cơ bản của một đô thị văn minh đã lan tỏa mạnh mẽ đến tận vùng sâu, vùng xa.
Theo họa sĩ Lại Long, sau khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội chúng ta cần đặc biệt chú ý đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể. Diện tích mở rộng, dân số tăng buộc chúng ta phải quy hoạch lại. Nhiều tuyến đường được mở rộng, xây dựng mới, nhiều khu đô thị mới mọc lên trên nền đô thị cũ. Do đó, nhiều công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật, văn hóa, mang ký ức cộng đồng cần được lưu giữ, bảo tồn, ghi chép lại để các thế hệ sau có thể hình dung được một “Hà Nội xưa”.
“Tôi cho rằng, sự phát triển của Thủ đô không tránh khỏi quy luật liên kết vùng, việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội không nằm ngoài quy luật đó. Vấn đề là chúng ta phải có ý thức văn hóa, tức mỗi người phải trân trọng, giữ gìn những gì tốt đẹp, mang tính bản sắc để con cháu sau này tự hào và noi theo”, họa sĩ Lại Long chia sẻ. Có lẽ, đó cũng là mong muốn của những người con Hà Nội đang sinh sống và làm việc tại thành phố mang tên Bác cũng như ở mọi miền của Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.