(HNM) - Tết đã cận kề. Người người đổ xô ra đường mua sắm. Hàng hóa lưu thông, tiền tệ lưu thông. Nhưng qua đó cũng có không ít chuyện buồn vui, chạnh lòng.
Như người ta vẫn nói, thời điểm này, "cơn bão" tài chính khởi nguồn từ năm 2008 dẫn tới suy thoái toàn cầu vẫn có những tác động trực tiếp tới nền kinh tế nước ta. Hàng chục nghìn doanh nghiệp bị phá sản hoặc ngừng hoạt động; cùng với đó, hàng loạt doanh nghiệp đang vất vả vật lộn, chèo chống, cầm cự để qua "cơn bĩ cực". Mọi khoản chi tiêu đều bị thắt chặt, từng đồng bạc bỏ ra khỏi "túi" đều được các doanh nghiệp đong đếm, cân nhắc kỹ lưỡng. Bản thân những người làm công tác quản lý kinh tế đều có chung nhận định: Đã đến lúc cần một cuộc cách mạng trong tái cơ cấu tổ chức và hoạt động; tập trung đầu tư chuyên sâu, nâng cao chất lượng; đồng thời, cắt giảm những chi phí không cần thiết để hạ giá thành sản phẩm. Đó là những công việc sống còn của những người làm ăn trong thời buổi kinh tế thị trường, cạnh tranh khốc liệt…
Ấy vậy nhưng cuộc sống lại còn nhiều góc cạnh khác. Như báo chí đưa tin, thời điểm này, tại thị trường TP Hồ Chí Minh những mặt hàng xa xỉ như bưởi hồ lô Tài - Lộc, dưa thỏi vàng… trở nên khan hiếm vì nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu của người mua dù giá những mặt hàng này không hề rẻ. Còn ở thị trường Hà Nội, không ít "thượng đế" lại săn lùng những sản vật ngày xưa người ta thường dùng để tiến vua chúa. Vì thế một công ty đã đặt ra mục tiêu trong năm 2014 "sản xuất" trên 7 triệu con gà giống loại 9 cựa, tiền lãi dự kiến cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tại Hội chợ xuân Hà Nội, ngoài giống gà 9 cựa, gà Đông Tảo và cá Anh Vũ cũng được khá nhiều "thượng đế" quan tâm vì sự đắt đỏ của những mặt hàng này. Một con gà Đông Tảo thuần chủng trọng lượng khoảng 4-5kg có giá lên tới 4,5 triệu đồng; còn gà 9 cựa (thực ra chỉ có từ 6 đến 8 cựa) là 450.000 đồng/kg và cá Anh Vũ có giá 2,9 triệu đồng/kg.
Cũng không biết những mặt hàng từng được coi là sản vật tiến vua ấy ngon đến đâu, bổ như thế nào vì người mua chủ yếu là để biếu, tặng cho nhau. Vậy nên càng đắt càng quý, càng có dịp thể hiện tấm lòng… thịnh tình.
Lại chạnh lòng mà nghĩ, Tết này có những người được doanh nghiệp thưởng… 10 bịch giấy vệ sinh - lý do là loại hàng này gia đình nào cũng cần sử dụng. Rồi ở một đơn vị khác, nhân viên được "tặng" 200 viên gạch lát nền với giá trên dưới 2 triệu đồng để… ăn Tết vì đây là hàng của doanh nghiệp còn "tồn kho", muốn sử dụng hoặc bán lại cho ai thì… tùy. Vẫn chưa hết, lại có những ngành trong xã hội mà người ta không thể có tiền hoặc hàng để "thưởng Tết" cho người lao động. Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã từng viết thư kêu gọi những tấm lòng hảo tâm trong xã hội chung tay ủng hộ để mỗi giáo viên có một chiếc bánh chưng. Bức thư có đoạn: "Tôi cảm thấy rất băn khoăn khi ngày Tết đến, không góp phần lo được cái Tết cho gia đình của một triệu thầy, cô giáo mầm non và phổ thông. Bộ GD-ĐT trân trọng đề nghị các đồng chí lãnh đạo từng địa phương vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ và hỗ trợ từ kinh phí địa phương để các thầy, cô giáo, nhất là các thầy, cô giáo công tác ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, có một cái Tết ít thiếu thốn hơn ngày thường, có được mâm cơm để cúng ông bà tổ tiên, có được chiếc áo mới cho cha mẹ, con cái, có được chiếc bánh chưng, bánh tét ăn ngày mùng Một Tết"…
Những ngày cuối năm, tản mạn vài chuyện trong xã hội để thấy chúng ta còn nhiều việc phải làm để người người có Tết, nhà nhà đón Xuân. Dù biết không thể là tuyệt đối, nhưng một xã hội hướng tới mục tiêu công bằng, văn minh cần phải như vậy, nếu không mọi của ngon vật lạ thật đều… đắng ngắt khi đâu đó vẫn còn những gia cảnh, thân phận con người cần được giúp đỡ, sẻ chia. Ấy cũng là chuyện cần "tái cơ cấu" để tránh lãng phí và những điều bất bình thường sớm bị loại bỏ khỏi cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.