(HNM) - Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý của cử tri và dư luận xã hội tại mỗi kỳ họp Quốc hội (QH).
Từ năm 1994, khi UBTVQH quyết định phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên họp nghe báo cáo tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn của ĐBQH, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp QH đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, khi Thủ tướng Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn ở Kỳ họp thứ 6, QH khóa XI đã tạo thành tiền lệ tốt cho đến nay.
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Đạt tại phiên chất vấn, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Nhật Nam
Gần đây nhất, tại Kỳ họp thứ 2 QH khóa XIII, khi Thủ tướng Chính phủ cùng 5 bộ trưởng đăng đàn trả lời đã có hơn 170 lượt đại biểu trực tiếp đặt câu hỏi chất vấn, trong đó có 22 câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ, điều này chứng tỏ hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của QH ngày một sôi nổi hơn. Trả lời thẳng thắn và nhận thức sâu sắc về những hạn chế, yếu kém, những vấn đề chưa làm được, hoặc đã làm nhưng chưa tốt để tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục, ngày càng có nhiều bộ trưởng dám nhận trách nhiệm về mình. Qua hoạt động chất vấn, các ĐBQH ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm của mình với nhân dân, trước cử tri trong việc xem xét, thẩm định các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng dù đã có nhiều đổi mới song có thể thấy hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn hiện vẫn còn một khoảng cách khá xa với thực tế. Nếu so sánh với hàng loạt sự kiện "nóng" được các phương tiện truyền thông đăng tải hằng ngày, dường như hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có phần bị "chìm". Nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu chưa được giải đáp thỏa đáng.
Đi tìm lời giải cho việc vì sao nhiều câu hỏi chất vấn, tái chất vấn của ĐBQH chưa được quan tâm trả lời đúng mức, không ít đại biểu cho rằng họ mới được trao quyền nhưng quyền này lại chưa được cụ thể hóa trong Hiến pháp và luật. Vì vậy, nhiều vấn đề ĐBQH muốn truy cứu trách nhiệm hoặc chất vấn đến cùng đã gặp không ít khó khăn. Tại Kỳ họp thứ 5 QH khóa XI, có 5 ĐBQH đề nghị UBTVQH đưa ra QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với các vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Bưu chính -Viễn thông, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục - Thể thao. Sau khi UBTVQH gửi văn bản xin ý kiến, hầu hết các đoàn ĐBQH thống nhất chưa bỏ phiếu tín nhiệm như đề nghị vì chưa đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Thực tế trên cho thấy Hiến pháp khi ghi nhận quyền chất vấn của ĐBQH đã không ghi nhận đầy đủ nội dung của quyền chất vấn. Chất vấn để làm gì, hậu quả của nó ra sao, hậu chất vấn sẽ thế nào?
Hay tại Điều 98 Hiến pháp 1992 quy định: người bị chất vấn phải trả lời trước QH tại kỳ họp, trong trường hợp cần thiết phải điều tra thì QH có thể quyết định cho trả lời trước UBTVQH hoặc tại kỳ họp sau của QH hoặc cho trả lời bằng văn bản. Theo chính các ĐBQH, các quy định mang tính định tính của Hiến pháp đã gây ra những băn khoăn khi áp dụng. Việc hiểu cho đúng thế nào là chất vấn cần được điều tra đã là một việc khó.
Chất vấn được coi là một trong những công cụ giám sát mạnh nhất của QH và ĐBQH. Qua chất vấn sẽ góp phần làm rõ trách nhiệm chính trị của các chính khách mà QH đã bầu ra. Vì vậy, các chuyên gia nghiên cứu đề nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 cần xác định rõ nội hàm quyền chất vấn của ĐBQH. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Chung (Học viện Hành chính) và Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng (Văn phòng QH), chất vấn có thể dẫn đến việc đặt vấn đề ủng hộ hay phản đối hoạt động của Chính phủ; sự cảnh báo của QH về một vấn đề hay tình trạng cần được lưu ý giải quyết. Chất vấn cũng có mục đích cung cấp thông tin và tạo cơ hội cho QH đánh giá, phê bình Chính phủ vì đã làm hay không làm điều gì đó. Bằng cách này, ĐBQH có thể buộc các bộ trưởng chia sẻ thông tin. Vì vậy, chất vấn xong không phải là "để đấy" mà nó phải là sự thể hiện chính kiến của QH trước những vấn đề, những người mà ĐBQH chất vấn bằng văn bản một cách rõ ràng - văn bản quy trách nhiệm của người bị chất vấn. Do đó, việc khẳng định quyền chất vấn trong Hiến pháp là đòi hỏi tất yếu chứ không chỉ ở tầm luật thể hiện sự minh thị rõ ràng của Hiến pháp, cũng như quyền năng của QH - cơ quan lập pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.