(HNM) - Điện năng là động lực của nền kinh tế. Ở nước ta, những năm gần đây, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ đã dẫn đến nhu cầu điện năng ngày càng tăng, từ đó đặt ra những vấn đề bức thiết về tiết kiệm năng lượng (TKNL).
Số liệu từ kiểm toán năng lượng cho thấy việc sử dụng điện ở nước ta chưa hiệu quả. Hệ số đàn hồi (mức tăng điện năng tương ứng với GDP) tăng 1 đơn vị của nước ta là 2,0; thậm chí cao hơn, nghĩa là để tăng 1% GDP, điện năng sẽ phải tăng từ 2% trở lên (thông thường hệ số này chỉ bằng 1-1,3%). Điều này nói lên công nghệ của Việt Nam chưa tiên tiến, tiêu tốn năng lượng; các hộ sử dụng điện chưa tiết kiệm.
Sử dụng bóng đèn huỳnh quang compact sẽ góp phần không nhỏ tiết kiệm năng lượng cho quốc gia. |
Giá điện chưa phản ánh đầy đủ?
Để sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích, nhiều biện pháp để việc sử dụng điện ngày càng hiệu quả và tiết kiệm hơn. Đơn cử, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 17-6-2010, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Theo đó, áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu; quy định trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất công - nông nghiệp; xây dựng, chiếu sáng công cộng; giao thông vận tải; dịch vụ và hộ gia đình; dự án đầu tư, cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; thiết bị sử dụng năng lượng; trách nhiệm quản lý nhà nước…
Tuy nhiên, biểu giá điện hiện nay còn bất hợp lý, chưa có tác dụng cân bằng phụ tải điện phù hợp với khả năng cung cấp; giá điện chưa phản ánh đủ các chi phí; không khuyến khích được khách hàng thực hiện tiết kiệm cũng như chưa tạo động lực tiết kiệm điện. Chưa có kênh truyền thông tốt về sản phẩm TKNL, vì vậy phần lớn các hộ tiêu thụ điện sử dụng các thiết bị tiêu hao điện lớn. Trong khi đó, thông tin truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng còn hình thức, nên chưa tạo hiệu quả như mong muốn.
Khả năng tiết kiệm còn nhiều
Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng các đơn vị, doanh nghiệp (DN), cơ quan chưa tiết kiệm điện. Đó là thiết bị sử dụng điện còn quá lạc hậu, quản lý sử dụng điện còn lỏng lẻo... Qua khảo sát trong DN cho thấy lượng điện tiêu thụ chiếm 25-65% tổng lượng điện năng và trong 600 DN đã được kiểm toán chỉ có 3 DN có hệ thống sử dụng năng lượng tiên tiến.
Trung tâm TKNL Hà Nội đã khảo sát thực tế sử dụng điện tại 80 tòa nhà cao ốc, có tới 85% còn sử dụng những thiết bị chưa tiết kiệm điện, như hệ thống đèn chiếu sáng, chấn lưu sắt từ… Theo Bộ Công thương, tiềm năng TKNL theo từng ngành vẫn còn khá cao. Nếu thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện sẽ góp phần giảm lượng điện tiêu thụ khá lớn. Chẳng hạn, ngành sản xuất xi măng vẫn còn khả năng tiết kiệm đến 50%, các tòa nhà thương mại khoảng 25%, các công sở khoảng 25-40%...
Theo thống kê, hiện nay cả nước vẫn còn khoảng 16,7 triệu hộ gia đình đang sử dụng 30 triệu bóng đèn tròn và 55 triệu đèn ống huỳnh quang thông thường. Mức tiêu thụ điện chiếu sáng chiếm 25,3%, cao hơn nhiều so với thế giới. Nếu thay thế hệ thống chiếu sáng cũ bằng bóng đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện tử, đèn 2 công suất… mỗi năm có thể tiết kiệm được khoảng 7.120 tỷ đồng và giảm đáng kể khí thải carbon.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng trưởng 14%, hằng năm Nhà nước phải đầu tư khoảng 8 tỷ USD, trong khi áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện có thể giảm được 10-20% nhu cầu. Vì thế, để đạt được mục tiêu tiết kiệm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tiếp tục tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, tự giác tham gia các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để áp dụng thống nhất trong các cơ sở sử dụng điện; dán nhãn TKNL cho phương tiện, thiết bị, máy móc sử dụng năng lượng theo lộ trình… Tất cả các biện pháp thực hiện phải hướng vào lợi ích của khách hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.