(HNM) - Hôm qua (15-11), tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV bước vào phiên chất vấn đầu tiên với các thành viên Chính phủ và dự kiến hoạt động trên sẽ kéo dài hết sáng 17-11.
Ngoài ý nghĩa là phiên chất vấn mở đầu cho nhiệm kỳ khóa XIV theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, hoạt động này thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân, bởi tính chất trực diện, sống động và vai trò quan trọng của chất vấn tại mỗi kỳ họp của Quốc hội; còn bởi năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và kỳ họp thứ hai của Quốc hội XIV là kỳ họp có khối lượng công việc lớn với nhiều nội dung quan trọng.
Thực sự, hoạt động chất vấn nói riêng và hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua đã góp phần thúc đẩy các bộ trưởng, trưởng các cơ quan, trưởng ngành quan tâm sâu hơn đến lĩnh vực được phân công phụ trách.
Ngay trong ngày mở đầu hoạt động này tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, tinh thần chất vấn đã được xác định là tiếp tục kế thừa và đổi mới theo hướng lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tăng cường đối thoại, không ngại tranh luận, bám sát và đi đến cùng trách nhiệm nhằm giải quyết vấn đề bức xúc trong đời sống.
Có thể nói, chất vấn và trả lời chất vấn hoàn toàn không phải là câu chuyện riêng tư giữa đại biểu Quốc hội với thành viên Chính phủ mà thực chất là câu chuyện giữa tiếng nói, nguyện vọng của người dân đối với bộ máy thực thi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó. Vì vậy, điểm gặp nhau chung nhất và mục tiêu cao nhất trong các phiên chất vấn là hiệu quả và giải pháp đạt tới trong giải quyết các vấn đề tồn tại, bức xúc của đời sống dân sinh. Muốn đạt tới điều ấy, tiếng nói đại biểu phải xuất phát từ sự đồng cảm với người dân, sự hiểu biết cặn kẽ những vấn đề liên quan đến lĩnh vực mình chất vấn với tinh thần dân chủ, cởi mở. Các thành viên Chính phủ cũng xem chất vấn là dịp lắng nghe, nắm bắt phản hồi của đời sống, cử tri từ đó chuẩn bị chu đáo, nắm rõ để trả lời vấn đề mà đại biểu đặt ra với thái độ cầu thị, trách nhiệm, dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật.
Hiệu quả của các phiên chất vấn càng cao thì khả năng tác động tới việc giải quyết các vấn đề thực tế càng tốt. Cũng như vậy, lòng tin của nhân dân vào đại biểu Quốc hội, rộng ra là vào Đảng, Nhà nước sẽ ngày càng được củng cố.
Đất nước ta đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, từ những vấn đề trong nước cho đến bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh:“Trước tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao, có những giải pháp quyết liệt, đột phá để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng… nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân…, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo”.
Thực tiễn cuộc sống đang đặt ra yêu cầu đối với hoạt động chất vấn nói riêng và giám sát của Quốc hội nói chung phải không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả. Nghị trường qua các phiên chất vất cần “nóng” ước nguyện đời sống dân sinh nhưng phải được truyền tải qua tầm trí tuệ của người đại biểu nhân dân.
Sau hoạt động chất vấn, người dân và đại biểu cũng mong mỏi cơ quan Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để nâng cao năng lực điều hành, thi hành Nghị quyết của Quốc hội, lấy đó làm cơ sở để các đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát lời hứa của các thành viên Chính phủ!
Tất cả không nằm ngoài lợi ích của đất nước, của nhân dân!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.