Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhìn nhận lại giá trị cây dược liệu Việt

Sơn Tùng| 07/03/2022 06:35

(HNM) - Phát triển cây dược liệu ở Việt Nam không phải vấn đề mới nhưng trong bối cảnh hiện tại, khi dịch Covid-19 tác động nhiều chiều đến đời sống kinh tế - xã hội, cần thay đổi cách nhìn về cây dược liệu Việt Nam, đặc biệt là vai trò của cây dược liệu trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao đời sống cho đồng bào ở nhiều địa phương. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua, Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam Nguyễn Mạnh Thản xung quanh nội dung này.

Công nhân chăm sóc thảo dược tại Công viên thảo dược của Công ty cổ phần Ao Vua.

- “Thuốc Nam chữa bệnh người Nam”. Ông có thể cho biết rõ hơn về nhận định này?

- Trong hàng nghìn năm qua, người Việt tồn tại, duy trì được nòi giống là nhờ phần lớn vào cách thích ứng và dựa vào thiên nhiên. Dược liệu hiện hữu trong đời sống của người Việt từ trong cách ăn uống, sinh hoạt đến chữa bệnh thông qua các bài thuốc. Dân gian có tới cả nghìn bài thuốc từ cây cỏ quanh nhà, như: Dùng cây nhọ nồi để hạ sốt, chống viêm; dùng gừng, sả, chanh... để phòng, chống côn trùng, diệt vi rút, nấm mốc... Và theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến 80% dân số toàn cầu sử dụng nguồn thuốc chủ yếu từ tự nhiên.

Theo thống kê của Viện Dược liệu, dược liệu Việt Nam hiện có trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật, 75 loại khoáng vật. Một số loại dược liệu quý có thể kể đến như: Sâm Ngọc Linh, Tam Thất Hoang, Bách Hợp... Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 50.000-60.000 tấn dược liệu khác nhau.

Với dịch bệnh Covid-19, bên cạnh những đơn thuốc điều trị của bác sĩ, chúng ta không thể phủ nhận việc ăn uống khoa học, tận dụng các thảo dược xung quanh để nâng cao sức khỏe, sức đề kháng của cộng đồng. Việc kết hợp dược liệu với các hóa dược cũng khiến hiệu quả sử dụng thuốc tăng lên và các loại thuốc tự nhiên sử dụng bảo đảm an toàn, hiệu quả, mang đến tác dụng rất tốt trong điều trị.

- Xin ông cho biết, dược liệu Việt đã đi vào đời sống của người dân như thế nào?

- Với sự trợ giúp của khoa học hiện đại, dược liệu được bào chế thành nhiều loại khác nhau và có thể chia thành 3 nhóm chính, bao gồm: Thuốc trong y học cổ truyền (bào chế theo thang, hoàn), thuốc trong y học hiện đại (bào chế thành viên nén, thuốc tiêm) và thực phẩm chức năng (bao gồm nhiều loại từ trà, gia vị thực phẩm đến bột thực dưỡng)...

Có một thực tế hiện nay là thị trường dược liệu của Việt Nam đang có nhiều vấn đề, cạnh tranh không lành mạnh, một số nơi có hiện tượng pha trộn, “làm dởm” khiến mất đi tính trị bệnh và chăm sóc sức khỏe của dược liệu. Khâu chế biến, tận dụng dược liệu cũng còn nhiều hạn chế và chưa có nhiều doanh nghiệp “đầu tàu” để dẫn dắt thị trường nên sản phẩm chưa phong phú, đa dạng, dễ dùng và phổ biến. Hàm lượng và giá trị xuất khẩu của dược liệu Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng nên cũng chưa tạo được các vùng trồng, chế biến có quy mô.

Tôi nghĩ nếu như cây dược liệu được quan tâm đúng mức, được quy hoạch bài bản gắn với chế biến, thì không chỉ làm giàu hệ sinh thái, cân bằng tự nhiên mà còn là kế sinh nhai bền vững của hàng triệu nông dân.

Ngay như vùng núi Ba Vì, cạnh đó là các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, rộng hơn là các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên... đều có thể trồng cây dược liệu dưới tán rừng hay tại các vùng đất bãi... Nhưng trồng bằng cách nào, ai thu mua, sơ chế, chế biến là một “bài toán” và cũng không phải doanh nghiệp muốn đầu tư là được. Ở đây có vai trò quan trọng của Nhà nước, nhà quản lý, của chính quyền địa phương trong việc lập quy hoạch, tập huấn cho nông dân; thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp trong việc đặt hàng, bao tiêu sản phẩm.

- Bản thân Công ty cổ phần Ao Vua đang có nhiều hoạt động bảo tồn, phát triển cây dược liệu, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

- Tôi luôn tâm niệm, để tác động đến xã hội cần phải có sự đột phá. Ngoài đầu tư công viên thảo dược lớn nhất khu vực phía Bắc, chúng tôi đang phối hợp với Hội Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Hội Đông y, Hội Nam y, Cục Y dược cổ truyền Bộ Y tế... hoàn thiện Đề án “Bảo tồn, phát triển và khai thác cây dược liệu phục vụ sức khỏe cộng đồng”. Thời gian tới, cây dược liệu sẽ được đưa vào hệ thống của toàn công ty và lâu dài sẽ phát triển thành một sản phẩm du lịch chủ đạo. Ví như khi du khách đến với các điểm du lịch của Ao Vua không chỉ ngắm cảnh đẹp, hưởng thụ không khí trong lành mà còn sử dụng nhiều dịch vụ du lịch khác như thưởng thức, tìm hiểu, khám phá về dược liệu trong mỗi loại đồ ăn, thức uống cũng như các bài thuốc chữa trị bệnh. Từ những hoạt động cụ thể đó, chúng tôi hy vọng nhìn nhận của xã hội về vai trò, vị trí, giá trị của dược liệu Việt Nam trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng có sự thay đổi.

Cần khẳng định thêm, phát triển cây dược liệu mang tới nhiều lợi ích không chỉ góp phần cân bằng, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đời sống cộng đồng mà còn góp phần nâng cao giá trị sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhìn nhận lại giá trị cây dược liệu Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.