Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều việc phải làm

Vũ Duy Thông| 19/07/2011 04:56

(HNMO) - 10 năm trước, nhà nước đã có chủ trương cải cách hành chính (CCHC), coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách đáp ứng nhu cầu của hội nhập và phát triển.


Đến nay, cả nước đã thống kê được 5.700 thủ tục hành chính, trên 100.000 biểu mẫu thống kê hành chính và đã rà soát, đã bãi bỏ, kiến nghị bãi bỏ 30% số thủ tục, biểu mẫu bao gồm 453 thủ tục được bãi bỏ; 3.749 thủ tục được sửa đổi bổ sung theo hướng sát thực tế, thông thoáng hơn; 288 thủ tục được thay thế. Đến nay cũng đã có 97% số xã, 98% huyện và 98% sở, ban, ngành cấp tỉnh và trung ương công khai danh sách các thủ tục hành chính, triển khai chính sách một cửa, một cửa liên thông. Mỗi năm, việc cải cách các thủ tục hành chính không những đã làm lợi khoảng 30 nghìn tỷ đồng, mà còn tiết kiệm được nhiều thời gian, tạo tâm lý thoải mái, phấn khởi cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương cũng đã có rất nhiều cố gắng trong các lĩnh vực CCHC khác như tinh giản bộ máy, quy định trách nhiệm và quyền hạn công chức; minh bạch hóa và tiết kiệm chi tiêu tài chính công, đào tạo và sắp xếp cán bộ, cải tiến tiền lương, bảo hiểm xã hội…
Tuy nhiên, như Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã thừa nhận trong Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm CCHC vừa qua, tốc độ CCHC còn chậm, kết quả chưa đạt được như mục tiêu đề ra, phải có cố gắng rất lớn mới có thể thực hiện được Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra là đến năm 2020, nước ta phải xây dựng được một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại. Tiến hành CCHC có nhiều việc trên nhiều lĩnh vực, nhưng những việc thiết thực với người dân, trực tiếp tác động đến tâm lý, tư tưởng người dân cần được ưu tiên làm trước. Một trong những vấn đề nổi cộm nhất trong đời sống xã hội hiện nay là chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, mất dân chủ của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền thoái hóa, biến chất. Tham nhũng, lãng phí mà người dân tận mắt thấy được tuy giá trị không lớn nhưng khá phổ biến, diễn ra hằng ngày, ở gần như mọi cấp, nhất là ở cấp cơ sở. Một nhân viên cấp phường, xã, một công an giao thông mới ra trường cũng có thể tham nhũng trắng trợn. Nhiều việc đặt kế hoạch và mục tiêu khá bài bản nhưng không làm được, chẳng hạn việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo hiểm y tế, quy hoạch hệ thống giáo dục mầm non, vệ sinh an toàn thực phẩm, khống chế giá thuốc chữa bệnh… có thể nói lý do một phần là ở đó thiếu công khai, minh bạch, thủ tục hành chính rườm rà, chưa kể những dấu hiệu tham nhũng. Một vấn đề khác là cải cách chế độ tiền lương. Nếu cứ cách làm như hiện nay thì lương chưa tăng, giá cả thị trường đã tăng vọt. Như vậy, nhà nước có bỏ thêm nhiều tiền nữa, chính sách về lương bổng cũng sẽ không mang lại hiệu quả.

Một chủ trương lớn với những giải pháp bài bản đã được đưa ra và cũng đã thu được kết quả nhất định nhưng rõ ràng CCHC ở Việt Nam còn một khoảng cách khá xa so với nhu cầu phát triển xã hội. Để có một nền hành chính trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại còn rất nhiều việc phải làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều việc phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.