(HNM) - Tính nhân văn từ chính sách an sinh xã hội thông qua chiếc thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mang lại cho đại đa số người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo là chuyện không cần phải bàn cãi, bởi từ lâu đã trở thành
Có lẽ, câu chuyện này nên bắt nguồn từ những chính sách liên quan đến công tác BHYT hiện nay cũng như những chuyển động từ các đơn vị y tế với vai trò là "tấm gương phản chiếu" chính sách BHYT ngoài đời sống.
Công bằng mà nói, người đi khám theo diện BHYT hiện nay đã thuận lợi hơn trước rất nhiều, nhưng để được đối xử ngang bằng với diện người đi khám tự nguyện trong cùng một cơ sở y tế hay chưa còn là chặng đường dài. Chưa kể thái độ phục vụ, chăm sóc người bệnh thuộc diện BHYT cũng để lại nhiều sự so sánh. Tất nhiên, trong hàng vạn người làm việc ở ngành y, các cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, có thái độ không đúng mực chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh". Nhưng, nếu nhìn vào 7.000 nhân viên, cán bộ y tế từ tuyến cơ sở đến trung ương có hành vi không đúng với người bệnh bị xử lý thời gian qua cho thấy đó vẫn còn nhiều điều nhức nhối. Mặt khác, câu chuyện bao giờ người bệnh khám BHYT không còn bị xếp vào diện "người khám hạng hai" vẫn luôn là trăn trở của các cơ quan quản lý lẫn người bệnh?
Trong khi đó, do muốn tăng số lượng người mua BHYT mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế đã đưa ra giải pháp mua BHYT theo hộ gia đình, người dân có hai lựa chọn: Hoặc là mua BHYT cho cả gia đình hoặc là không được mua nếu có một ai trong gia đình họ không mua BHYT. Điều này gây ra nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân.
Có thể thấy, việc mua BHYT vốn là quyền lợi và nhu cầu chính đáng của một cá nhân lại phải phụ thuộc vào ý thức, ý muốn của cá nhân khác là một điều vô lý. Quá trình thực hiện cho thấy còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, khiến hoạt động bán BHYT theo hộ gia đình phải tạm dừng. Thêm vào đó, tình trạng cấp trùng thẻ, sai thông tin trên thẻ, chậm phát thẻ… xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước trong nhiều năm qua cho thấy còn nhiều lỗ hổng. Đặc biệt, việc trục lợi từ Quỹ BHYT cũng có những diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần có giải pháp thiết thực, căn cơ hơn nữa.
Trong một cuộc làm việc gần đây về BHYT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đặt câu hỏi: "Người ta mua thẻ bảo hiểm mà lại đòi thủ tục là nghĩa làm sao? Lẽ ra phải chào mời người dân mua thẻ, ở đây lại nghĩ ra thủ tục gây khó cho họ". Điều đó cho thấy, đã và đang có hàng loạt thủ tục hành chính gây khó cho người tham gia BHYT.
Cùng với đó, để nâng cao tỷ lệ người dân có thẻ BHYT, quy định hiện hành là ngân sách (trung ương và địa phương) hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ cho người cận nghèo tham gia BHYT. Nhưng đến nay còn khoảng 20 tỉnh, thành phố chưa thực hiện chính sách này dẫn đến là rất ít người cận nghèo ở các địa phương này có thẻ BHYT, trong khi chỉ cần một đợt điều trị bệnh, những người suýt thoát nghèo này sẽ nhanh chóng quay trở lại ngưỡng nghèo. Một điểm đáng lưu ý nữa là hiện BHYT có duy nhất một hình thức là bảo hiểm cơ bản, muốn mua loại hình BHYT cao hơn theo nhu cầu hay theo loại bệnh lý, người dân phải tìm đến các hãng cung cấp bảo hiểm thương mại. Tại sao không đa dạng hóa gói dịch vụ y tế và mệnh giá BHYT kèm theo cũng rất cần được tính đến.
Rõ ràng, để việc mỗi người dân có một thẻ BHYT không còn là một ước mơ xa vời nhưng còn rất nhiều việc cần làm và phải làm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.