Nhiều phản ánh và kết quả điều tra dư luận xã hội được cấp ủy Đảng, chính quyền sử dụng để giải quyết kịp thời, thỏa đáng nhiều vấn đề, vụ việc dư luận xã hội quan tâm ngay tại cơ sở.
Sáng 22-3, tại trụ sở Quận ủy Tây Hồ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học góp ý Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TƯ của Ban Bí thư khóa XI về việc “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”.
Phát biểu đề dẫn, Viện trưởng Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) Phạm Thu Hà nêu rõ, thông qua buổi tọa đàm khoa học, Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Dư luận xã hội muốn lắng nghe những ý kiến, tham luận đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TƯ của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 167-HD/BTGTƯ của Ban Tuyên giáo Trung ương trên cơ sở bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra. Đặc biệt nhấn mạnh những kết quả nổi bật, những điểm nghẽn, nút thắt và nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội trong thời gian qua.
Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung góp ý vào các nội dung của Đề án như: Tình hình thực hiện Kết luận 100-KL/TƯ; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội; tổ chức thực hiện.
Các ý kiến đều thống nhất, Kết luận 100-KL/TƯ là văn bản chỉ đạo duy nhất của Đảng dành riêng cho công tác dư luận xã hội. Sự ra đời của Kết luận đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, kịp thời bổ sung, tạo cơ sở chính trị quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác dư luận xã hội.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Kết luận 100-KL/TƯ, công tác dư luận xã hội trên toàn quốc nhìn chung đã được các cấp ủy, chính quyền, các địa phương, đơn vị quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, đạt nhiều kết quả tích cực với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp thực tiễn.
Nhờ đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể về vai trò, tầm quan trọng của công tác dư luận xã hội tiếp tục được nâng lên. Đồng thời, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Thông qua việc tổ chức, điều tra, nắm bắt dư luận xã hội đã giúp cấp ủy, chính quyền các cấp có thêm nguồn thông tin tham khảo quan trọng, cần thiết trong việc hoạch định chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Qua đó, góp phần ổn định tình hình chính trị, tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, hạn chế những vấn đề khiếu kiện và khiếu kiện vượt cấp, những tình huống phát sinh, không tích tụ thành “điểm nóng”, góp phần xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, tiếp thu những những kinh nghiệm qua 10 năm tổ chức thực hiện Kết luận 100-KL/TƯ, trong thời gian tới, công tác dư luận xã hội cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng; đề cao tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu, bám sát tình hình trong nước và quốc tế. Đồng thời, bảo đảm tính kịp thời, khách quan, khoa học, thuyết phục, có độ tin cậy cao và gắn với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung, của từng địa phương, đơn vị, cơ quan nói riêng.
Công tác dư luận xã hội phải là nhịp cầu nối giữa “ý Đảng” và “lòng dân”, trở thành kênh thông tin phản biện quan trọng phục vụ quá trình hình thành, hoàn thiện và thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách quan trọng của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức nói chung và công tác tuyên giáo nói riêng trong tình hình mới.
Kết quả của buổi tọa đàm là cơ sở quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương hoàn thiện Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.