Chính trị

Giải quyết tốt các vụ án nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm

Mai Hoa - Ảnh: Viết Thành 03/07/2023 14:48

Trong khuôn khổ phiên làm việc thứ nhất của kỳ họp thứ mười hai HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã xác định rõ các nhiệm vụ phải giải quyết kịp thời để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như nâng cao chất lượng giải quyết các loại án.

Giải quyết tốt những vụ án lớn, vụ việc phức tạp

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường, tình hình tội phạm 6 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ. Đơn cử như tội phạm về ma túy có 1.663 vụ/2.338 bị can (tăng 134 vụ, 303 bị can so với cùng kỳ), chủ yếu về các tội tàng trữ trái phép, mua bán trái phép, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn không chỉ tăng về số vụ mà còn diễn biến phức tạp, tính chất và mức độ ngày càng nguy hiểm, thủ đoạn che giấu tinh vi.

hdnd03.jpg
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường phát biểu tại phiên họp.

Cùng với đó, tội phạm về trật tự xã hội, trật tự hành chính cũng lên tới 1.284 vụ/3.582 bị can (tăng 24 vụ), trong đó cố ý gây thương tích (293 vụ/383 bị can); đánh bạc (234 vụ/1.360 bị can); tổ chức đánh bạc, gá bạc (72 vụ/366 bị can); môi giới mại dâm (58 vụ/70 bị can); chống người thi hành công vụ (24 vụ/25 bị can); gây rối trật tự công cộng (104 vụ/858 bị can)...

Đặc biệt, tội phạm về tham nhũng và chức vụ cũng tăng, với 51 vụ/248 bị can (tăng 38 và 214 bị can); hối lộ (24 vụ/192 bị can), lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (7 vụ/19 bị can); tội tham ô tài sản (9 vụ/9 bị can); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (5 vụ/4 bị can).

Trước tình hình đó, điều đáng ghi nhận là trong 6 tháng đầu năm 2023, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành. Tuy vẫn còn xảy ra các vụ án phải trả điều tra bổ sung, nhưng nhìn chung, kết quả một số chỉ tiêu đã đạt và vượt các chỉ tiêu công tác của ngành và Quốc hội giao. Đặc biệt, không có trường hợp nào Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.

Bên cạnh đó, đã ban hành 10.545 yêu cầu kiểm tra, xác minh đối với các tổ giác, tin báo tội phạm, bảo đảm 100% tố giác, tin báo có yêu cầu xác minh của Viện Kiểm sát. Trong kỳ, có 62 tố giác, tin báo tội phạm đã được cơ quan điều tra khởi tố vụ án theo yêu cầu của Viện Kiểm sát.

Viện kiểm sát hai cấp cũng đã tiến hành kiểm sát trực tiếp tại 5 cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Ban pháp chế HĐND cấp huyện… tiến hành kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, xử lý ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm của 141 đơn vị Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an; đã ban hành 27 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và 10 kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm; tỷ lệ kiến nghị được chấp nhận đạt 100%...

Để giảm tình hình tội phạm, trong 6 tháng cuối năm, sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Một mặt tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác nghiệp vụ; mặt khác, triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh trong ghi lời khai, hỏi cung bị can, bị cáo, người liên quan...

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp trong bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; giải quyết tốt những vụ án lớn, vụ việc phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là những vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo Thành ủy về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. 

Tăng cường thực hiện công khai bản án, xét xử trực tuyến

Cũng trong phiên làm việc, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội Đào Sỹ Hùng đưa ra những đánh giá về công tác xét xử 6 tháng đầu năm và nêu ra nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội.

hdnd02.jpg
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội Đào Sỹ Hùng phát biểu tại phiên họp.

Theo đó, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các loại án, đa phần án được giải quyết bảo đảm trong thời hạn pháp luật quy định; tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan thấp hơn quy định của ngành. Các vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã được Tòa án phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng tại Trung ương và thành phố khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính luôn chú trọng và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại nên tỷ lệ các vụ án hòa giải, đối thoại thành ra quyết định công nhận sự thỏa thuận hoặc đương sự rút đơn khởi kiện đạt tỷ lệ cao góp phần giải quyết dứt điểm, nhanh chóng tranh chấp, ổn định tình hình nhân dân.

Công tác kiểm tra tiếp tục được tăng cường, qua đó lãnh đạo, cán bộ, công chức các đơn vị đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Những thiếu sót trong công tác xét xử đã được kiến nghị và chấn chỉnh kịp thời nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các loại án của Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội.

Cũng theo Phó Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong 6 tháng đầu năm 2023, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội vẫn còn một số vụ án quá hạn, tỷ lệ giải quyết án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại còn thấp. Nguyên nhân do số lượng án phải giải quyết luôn ở mức rất cao, tính chất ngày càng phức tạp. Ngoài ra, một số quy định của pháp luật chưa phù hợp hoặc còn bất cập, gây khó khăn cho công tác giải quyết án.

Từ nay đến cuối năm, Tòa án nhân dân thành phố xác định nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại vụ án, phấn đấu giảm đáng kể án tồn đọng kéo dài; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội giao cho về tỷ lệ và chất lượng giải quyết các loại vụ việc.

Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm thời hạn tạm giam trong quá trình chuẩn bị xét xử. Đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo, chú trọng công tác thu hồi tài sản cho Nhà nước...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết tốt các vụ án nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.