(HNM) - Nói về nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực của mình, một cựu lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) từng đúc rút
Nói như vậy để có thể hình dung về công việc mà Sở TT-TT Hà Nội đã thực hiện trong một thập kỷ qua kể từ khi thành lập với tiền thân là Sở Bưu chính - Viễn thông Hà Nội. Với việc Hà Nội tiếp tục duy trì hiệu quả trong ứng dụng CNTT; có hệ thống TT-TT hiện đại, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu về quản lý, điều hành của chính quyền, nhu cầu thông tin của người dân và sự phát triển lớn mạnh của các DN… cho thấy vai trò quan trọng của cơ quan QLNN trên địa bàn.
Công nhân hạ ngầm đường cáp viễn thông. Ảnh: Thanh Hải |
Là cơ quan QLNN, Sở TT-TT được đánh giá là đã thực hiện tốt công tác tham mưu xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả QLNN, tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành. Sở đã tham mưu với UBND thành phố ban hành các quy hoạch về phát triển CNTT; bưu chính - viễn thông Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và hiện đang hoàn thiện quy hoạch báo chí. Sở cũng đã tham mưu với UBND thành phố ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước (CQNN) thành phố, triển khai chính phủ điện tử…
Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, định kỳ 2 năm, Sở tham mưu UBND thành phố thực hiện kiểm tra, chấm điểm, xếp hạng, trao giải thưởng ứng dụng CNTT trong CQNN của thành phố. Hệ thống mạng tin học diện rộng (WAN) đã kết nối từ UBND thành phố, các sở, ngành, quận, huyện đến tận xã, phường, thị trấn. Trung tâm Dữ liệu nhà nước thành phố - trái tim của nền hành chính điện tử, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế là trung tâm mạng WAN, đồng thời là nơi tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm dùng chung. Cổng thông tin điện tử thành phố hoàn thành nâng cấp mở rộng là nền tảng để xây dựng, tích hợp các cổng thông tin điện tử của các CQNN, các ứng dụng dùng chung, đặc biệt là các ứng dụng, dịch vụ công phục vụ công dân và DN. Với lĩnh vực công nghiệp CNTT, Sở đã đề xuất UBND thành phố và trình Bộ TT-TT công nhận Cụm tiểu thủ công nghiệp quận Cầu Giấy là Khu CNTT tập trung Cầu Giấy - Hà Nội; tham mưu UBND thành phố phê duyệt địa điểm quy hoạch "Khu công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm của TP Hà Nội" 80ha tại huyện Đông Anh; đề nghị với Bộ đưa dự án "Khu công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm của TP Hà Nội" vào nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển Khu CNTT tập trung của Việt Nam… tạo điều kiện cho các DN CNTT trên địa bàn ổn định sản xuất, phát triển.
Cùng với vai trò tham mưu, Sở TT-TT đã không ngừng nâng cao vai trò QLNN trong lĩnh vực của mình. Sở đã tổ chức 531 cuộc thanh - kiểm tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 3,5 tỷ đồng. Trong năm 2014, Thanh tra Sở TT-TT đã phối hợp với Công an TP Hà Nội phát hiện hơn 14.000 thuê bao bị nghe lén tại Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng, xử lý vụ kinh doanh thiết bị phá sóng điện thoại di động và sóng định vị toàn cầu (GPS) được dư luận đánh giá cao. Sở đã yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ viễn thông cắt liên lạc 5.565 số điện thoại quảng cáo rao vặt, 37 đầu số và 357 số điện thoại tin nhắn rác, nhắn tin lừa đảo vi phạm bị ngừng cung cấp dịch vụ. Đến nay, hoạt động kinh doanh của các đại lý internet từng bước ổn định và cơ bản không còn đại lý internet gần trường học. Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ di động dùng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật với 1.200 điểm cơ sở hạ tầng dùng chung (trạm BTS). Đặc biệt, trong năm 2014, Sở đã chú trọng vấn đề quản lý sắp xếp hệ thống đường dây đi nổi, quản lý duy trì vận hành hệ thống công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị dùng chung, góp phần hiệu quả trong việc chỉnh trang môi trường đô thị thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014".
Sở đi đầu hướng dẫn, triển khai các ứng dụng dùng chung, như thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm "một cửa điện tử" liên thông được triển khai thống nhất đến tận các UBND phường, xã, thị trấn và tiến tới tích hợp toàn thành phố. Các ứng dụng phục vụ công dân, DN rất được chú trọng với 100% các đơn vị có website, cổng thông tin điện tử, cung cấp 100% dịch vụ công mức 2 và 113 dịch vụ công mức độ 3 và 4. Kết quả là theo bảng đánh giá, xếp hạng được công bố năm 2014, Hà Nội xếp thứ 3 về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (tăng 1 bậc so với năm 2013), xếp thứ 2 về mức độ ứng dụng CNTT (giữ nguyên bậc so với năm 2013 và tăng 17 bậc so với năm 2012).
Có được những kết quả quan trọng trên là được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo thành phố; sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ TT-TT, cùng với tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức… Thời gian tới, Sở tiếp tục triển khai hiệu quả các quy hoạch phát triển ngành đã được thành phố phê duyệt; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, DN triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển lĩnh vực TT-TT của Hà Nội nói riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.