(HNMO) – Chiều 13/11, thảo luận ở hội trường về dự án Luật phòng, chống mua bán người, nhiều đại biểu cho rằng, nhiều quy định hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân thiếu khả thi.
Quan tâm tới các quy định về bảo vệ nạn nhân bị mua bán, đại biểu Vi Trọng Lễ - Phú Thọ đề nghị cần nghiên cứu lại việc "bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi ở, nơi làm việc, học tập của nạn nhân".
“Liệu có khả thi hay không, tôi cho rằng nếu bố trí như vậy thì rất khó cho lực lượng nào có thể canh giữ được 24/24 tiếng đối với nạn nhân ở nơi ở, cũng như nơi làm việc cũng như nơi học tập””, đại biểu Vi Trọng Lễ băn khoăn.
Đại biểu Vi Trọng Lễ cũng ủng hộ với quy định về việc giao nạn nhân cho cơ sở bảo trợ xã hội các tỉnh làm đầu mối cung cấp nơi lưu trú và hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho nạn nhân trước khi đưa nạn nhân về với gia đình cũng như cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có một số tỉnh có các trung tâm hay có các cơ sở bảo trợ xã hội. Nếu luật quy định như vậy thì sẽ phải thành lập ở các tỉnh còn thiếu.
“Theo như tôi biết thì số nạn nhân này trong 5 năm cũng không nhiều cho nên chúng ta nghiên cứu là có thể thành lập theo cụm tỉnh, có thể thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội này theo cụm tỉnh”, đại biểu Vi Trọng Lễ đề xuất.
Đại biểu Vi Trọng Lễ cũng đề nghị không quy định việc "cho phép thành lập các sơ sở hỗ trợ thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp".
“Chúng ta đã có những bài học hết sức đắt giá về việc thành lập các tổ chức mang tính nhân đạo, từ thiện ở các địa phương của các cá nhân cũng như của các tổ chức xã hội, nhưng họ đã lợi dụng danh nghĩa này để quyên góp, kêu gọi ủng hộ và như vậy chúng ta không đạt được mục tiêu chính trị mà chúng ta đặt ra. Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu”, đại biểu Vi Trọng Lễ nói.
Chung quan điểm, đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Thanh Hoá cho rằng, chỉ nên thống nhất giao thêm chức năng, nhiệm vụ và hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc ngành lao động thương binh xã hội để thực hiện, tránh đầu tư tốn kém.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng đề nghị rà soát lại các quy định về hỗ trợ nạn nhân vì “nhiều chính sách này trùng với pháp luật hiện hành”.
Về những quy định bảo vệ nạn nhân bị buôn bán, đại biểu Lưu Thị Chi Lan - Vĩnh Phúc đề nghị, những quy định này nên đi theo hướng là quy định trách nhiệm chủ động bảo vệ nạn nhân của các cơ quan có thẩm quyền, chứ không phải thụ động chờ nạn nhân yêu cầu thì mới có các biện pháp bảo vệ.
“Các biện pháp này phải được áp dụng trong toàn bộ quá trình từ khi phát hiện được nạn nhân bị buôn bán, chứ không thu hẹp trong quá trình tố tụng. Bởi vì hiện nay có rất nhiều những vụ án mua bán người dù chưa được khởi tố, nhưng chắc chắn vẫn có nạn nhân và họ cũng cần hỗ trợ để tái hòa nhập với cộng đồng”, đại biểu Lưu Thị Chi Lan nói.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lưu Thị Chi Lan, dự thảo luật quy định phạm vi hỗ trợ cho nạn nhân rộng và chung chung, rất khó đảm bảo đủ ngân sách thực hiện.
“Tôi đề nghị trong dự thảo luật cũng cần có những quy định cụ thể rõ ràng hơn về các trường hợp được hỗ trợ và mức hỗ trợ và cũng tùy từng trường hợp, giai đoạn hoàn cảnh và nhu cầu thực tế để có chế độ hỗ trợ cho phù hợp”, đại biểu Lưu Thị Chi Lan nói.
Đại biểu Danh Út - Kiên Giang cũng đánh giá, dự thảo luật quy định chế độ hỗ trợ nạn nhân quá rộng, quá nhiều.
“Nếu như chế độ chính sách không khéo, các chế độ này sẽ khuyến khích tạo cho một bộ phận người lợi dụng, giả mạo làm nạn nhân để hưởng chính sách”, đại biểu Danh Út nói.
Đại biểu Danh Út cho rằng, 14 chính sách hỗ trợ trong dự luật “là chính sách bình quân và chưa phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của nước ta”, chưa đồng bộ, phù hợp với các chính sách khác. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý cho phù hợp đảm bảo tính khả thi hơn.
Các quy định về “bảo vệ an toàn cho nạn nhân" cũng được đại biểu Bùi Thị Lệ Phi - TP Cần Thơ cho là khó khả thi trong điều kiện của nước ta hiện nay, nhất là việc bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi ở, nơi làm việc, học tập cho nạn nhân vì tại các địa phương sẽ thiếu lực lượng bảo vệ làm nhiệm vụ này.
“Nếu nạn nhân nào cũng yêu cầu được bảo vệ như vậy sẽ quá tải cho lực lượng làm nhiệm vụ. Do vậy tùy theo sự vụ, sự việc có tính chất nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân hay không, mà cơ quan thẩm quyền sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết để áp dụng cho nạn nhân. Tất nhiên để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra thì cơ quan chức năng sẽ phải lắng nghe từ lời yêu cầu của nạn nhân, cộng thêm trình độ nghiệp vụ của mình để quyết định, xem xét áp dụng biện pháp nào để bảo vệ cho nạn nhân tốt nhất”, đại biểu Bùi Thị Lệ Phi nói.
Đồng quan điểm với đại biểu Bùi Thị Lệ Phi, đại biểu Nguyễn Đình Quyền - Hà Nội cho rằng, các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân không khả thi, có quy định “bảo vệ còn hơn cả Tổng thống Mỹ”.
“Rất khó chúng ta có thể thực hiện việc bố trí lực lượng tại nơi ở, nơi làm việc, học tập, tại phiên tòa cho nạn nhân và người nhà của bệnh nhân. Báo cáo quý vị đại biểu, khi chúng tôi nghiên cứu về vấn đề này và chúng tôi làm việc với Cục điều tra liên bang Mỹ thì ngay cả tại Mỹ bảo vệ nhân chứng và bảo vệ nạn nhân cũng là vấn đề hết sức nan giải. Cho nên, chúng ta quy định như thế nào để bảo đảm tính khả thi của quy định này”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói.
Đại biểu Trần Văn Độ - An Giang cho rằng, nếu dự luật xác định nạn nhân của mua bán người thành phần riêng, dẫn đến có những biện pháp riêng, những tổ chức riêng là không đúng.
“Ngoài nạn nhân của mua bán người thì chúng ta còn nhiều nạn nhân khác mà chúng ta cần phải quan tâm, chúng ta cần phải giúp đỡ, chúng ta cần phải hỗ trợ”, đại biểu Trần Văn Độ nói.
Cũng theo đại biểu Trần Văn Độ, các biện pháp bảo vệ hỗ trợ nạn nhân theo dự thảo quy định thì “rất đẹp”, nhưng rất khó tính khả thi. Cũng vì thế, đại biểu Độ đề nghị xem xét lại việc hình thành các cơ sở bảo trợ, các cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Các vấn đề này nên để các cơ sở bảo trợ xã hội khác thực hiện như đối với tất cả các nạn nhân khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.