(HNM) - Sau hơn một tháng ra quân xử phạt trẻ em trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm (MBH) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, khu vực nội thành tỷ lệ trẻ em đội MBH tăng cao. Thế nhưng, ở khu vực giáp ranh và ngoại thành tỷ lệ vẫn thấp, thậm chí nhiều trường học chỉ đạt dưới 50%.
Nhiều phụ huynh vẫn chưa chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm khi đưa trẻ đến trường. |
Tỷ lệ "vênh" nhau
Ghi nhận tại Trường Tiểu học Rạch Ông (đường Dương Bá Trạc, Quận 8), nhiều phụ huynh vẫn thản nhiên chở con đến trường không đội MBH. Tương tự, tại Trường Tiểu học Giồng Ông Tố (đường Nguyễn Tư Nghiêm, Quận 2), theo quan sát của chúng tôi, dù trước cổng trường treo kín các băng rôn tuyên truyền và thông báo cụ thể về quy định trên từ nhà trường nhưng nhiều phụ huynh vẫn vô tư chở con đi học không đội MBH. Cá biệt, nhiều trường hợp vẫn trang bị MBH nhưng lại treo trước xe gắn máy nhằm đối phó với lực lượng CSGT. "Thực sự vẫn biết quy định trên và nhà trường đã phổ biến kỹ nhưng do nhà cách trường gần 1km nên mang tâm lý chủ quan, ngại đội MBH cho tụi nhỏ", anh Trần Viết Châu (ngụ đường Nguyễn Duy Trinh, Quận 2), giãi bày.
Ngược lại, tại các trường khu vực nội thành, tình hình có nhiều chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, tại Trường Tiểu học Kỳ Đồng (Quận 3), nếu như hơn một tháng trước đó (ngày đầu ra quân xử phạt), nhiều phụ huynh học sinh vẫn chưa có ý thức chấp hành và bị lực lượng CSGT Quận 3 xử phạt vi phạm, thì nay vào mỗi buổi sáng và chiều, khi đưa con em mình đến trường, hầu hết phụ huynh đều chấp hành quy định. Theo lãnh đạo nhà trường, đến nay tỷ lệ đội MBH của học sinh trên 95%.
Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) TP Hồ Chí Minh, qua khảo sát của cơ quan này trước cổng 25 trường học, tỷ lệ đội MBH trung bình đạt 83%. Tuy nhiên, tỷ lệ đội MBH có sự chênh lệch khá lớn giữa các trường, giữa các khu vực nội thành và ngoại thành. Cụ thể: Trường Tiểu học Đặng Văn Ngữ, Trường THCS Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận); Trường Tiểu học An Lạc 3 (quận Bình Tân); Trường Tiểu học Minh Đạo và Trần Hưng Đạo (Quận 5); Trường THCS Nguyễn Trãi (Quận 1); Trường THCS Hai Bà Trưng (Quận 3) và Trường THCS Nguyễn Văn Quỳ (huyện Nhà Bè), đều đạt trên 95% học sinh đội MBH. Ngược lại, tại Trường Tiểu học Rạch Ông và Trường THCS Dương Bá Trạc (Quận 8) chỉ có khoảng 40% học sinh đội MBH.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có khoảng 1.900 trường hợp trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông (chiếm 20% số trẻ em tử vong trong cả nước vì các nguyên nhân). Trong đó, gần 50% trường hợp bị chấn thương sọ não vì không đội MBH. |
Phụ huynh vẫn thờ ơ
Phân tích về nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP Hồ Chí Minh, cho rằng, trước hết, nhiều phụ huynh học sinh vẫn đang còn hời hợt và không quan tâm đến việc con em mình đội MBH, chưa ý thức được những hậu quả khó lường khi không đội MBH. Mặt khác, dù các cơ quan chức năng liên quan có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, xử phạt nhưng hiệu quả của từng địa bàn vẫn chưa đồng đều. Bên cạnh đó, các biện pháp đề ra vẫn còn chồng chéo nhau giữa các cơ quan chức năng, dẫn tới việc đùn đẩy và chờ nhau trong thực thi. Ngoài ra, giải pháp còn mang nặng lý thuyết, thiếu thực tiễn nên người dân vẫn chưa "thấm".
Để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết, đối với các quận, huyện trên địa bàn thành phố, cần phối hợp đồng bộ nhằm tránh "giẫm chân" nhau trong công tác tuyên truyền, xử phạt. Trái lại, nếu không thực hiện tốt cần kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức liên quan. Đối với phụ huynh học sinh vẫn không chấp hành cần nêu tên trước các cuộc họp tổ dân phố để vừa nhắc nhở vừa răn đe. Những trường hợp cố tình không đội MBH cho trẻ em cần tăng mức xử phạt, đồng thời, mời gia đình đến trường nhắc nhở và thông báo trước buổi chào cờ, thậm chí hạ hạnh kiểm học sinh vi phạm. Ông Tường cũng cho rằng, phụ huynh nên mua những loại MBH đạt chuẩn được các trung tâm chứng nhận chất lượng cấp phép.
Cũng theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP Hồ Chí Minh, lực lượng CSGT thuộc Phòng và 24 quận, huyện sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm tra, xử phạt hành vi không đội MBH cho trẻ trên 6 tuổi khi đi xe gắn máy, xe máy điện. Cụ thể, thời gian kiểm tra từ 16h đến 18h hằng ngày nhằm tránh gây ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Đồng thời, PC67 tăng cường dùng camera nghiệp vụ bí mật đến các trường học ghi lại các hình ảnh vi phạm của phụ huynh chở trẻ em không đội MBH. Sau đó, phối hợp với nhà trường mời phụ huynh đến tuyên truyền, nhắc nhở và ký cam kết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.