(HNM) - Trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa ghi nhận hai ca mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 1 trường hợp do ăn tiết canh lợn, lòng lợn. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 3 ca mắc bệnh này. Điều đáng nói là dù đã có rất nhiều lời cảnh báo về việc ăn tiết canh, ăn thịt tái, sống… không bảo đảm an toàn, vệ sinh khi giết mổ có thể là nguồn gây bệnh nguy hiểm, dễ nhiễm liên cầu khuẩn lợn, nhưng nhiều người vẫn bỏ ngoài tai.
Những đối tượng dễ khởi phát bệnh
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, vào cuối tháng 8-2022, cơ quan y tế ghi nhận nam bệnh nhân 48 tuổi làm công nhân (trú ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai). Trước khi xuất hiện triệu chứng sốt cao 2 ngày, bệnh nhân có ăn tiết canh, lòng lợn tại một quán ăn trên địa bàn quận Hà Đông. Sau khi sốt cao, bệnh nhân đi khám và điều trị tại trạm y tế, nhưng không đỡ. Tiếp đó, bệnh nhân xuất hiện đau đầu nhiều, giảm nhận thức và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, xét nghiệm dịch não tủy, nuôi cấy Streptococcus suis (liên cầu khuẩn lợn) của bệnh nhân cho kết quả dương tính. Hiện tại, bệnh nhân đã được điều trị ổn định.
Bệnh viện Quân y 103 cũng vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 60 tuổi làm ruộng (ở xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ). Ngày 2-9, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng: Sốt cao, đau đầu, đau mỏi toàn thân, không nôn, chưa điều trị gì. Đến 21h ngày 3-9, bệnh nhân kích động, khó tiếp xúc, cứng gáy… Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa vào Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, kết quả xét nghiệm vào ngày 8-9 cho thấy, bệnh nhân dương tính Streptococcus suis. Như vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 3 ca mắc liên cầu khuẩn lợn (tăng 2 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021).
Không chỉ tại Hà Nội, bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn cũng xuất hiện rải rác ở khắp các địa phương trên cả nước, đặc biệt tăng trong những dịp nghỉ lễ. Vào đầu năm nay, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Uông Bí, Quảng Ninh) có tiếp nhận trường hợp người bệnh T.V.Q vào khoa trong tình trạng lơ mơ, kích thích, không tiếp xúc được. Người bệnh có tiền sử nghiện rượu, ăn tiết canh dê một tuần trước ngày vào viện. Bác sĩ đã tiến hành chọc dịch não tủy, cấy máu làm chẩn đoán và xác định người bệnh bị nhiễm vi khuẩn Streptococcus suis.
Các bác sĩ của Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết, liên cầu khuẩn lợn có tên khoa học là Streptococcus suis, là một tác nhân gây bệnh quan trọng ở lợn và đôi khi có thể gây bệnh trên người. Loại vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Ngoài ra nó cũng tồn tại ở một số loài động vật khác, như: Bò, dê, cừu, chó, mèo… Vi khuẩn liên cầu lợn có thể lây sang người do tiếp xúc trực tiếp (qua vết thương ở da và niêm mạc). Cụ thể, vi khuẩn lây truyền qua tổn thương trên da của người giết mổ, chế biến hoặc ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín.
Sau khi nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn, thời gian ủ bệnh thường trong vòng một tuần. Giai đoạn khởi phát diễn ra từ 1 đến 2 ngày với biểu hiện sốt cao, đau đầu, rét run, buồn nôn và nôn, hoa mắt chóng mặt, đau cơ khớp, đau bụng âm ỉ. Tiếp đến, giai đoạn toàn phát xuất hiện hội chứng màng não rõ ràng, như co cứng cơ (đặc biệt cứng vùng gáy), rối loạn ý thức (mê sảng, lơ mơ), kích thích, thậm chí hôn mê. Đặc trưng là rối loạn tiền đình, giảm thính lực 1 bên hoặc 2 bên, run đầu chi, liệt thần kinh sọ. Ngoài ra, bệnh nhân khi mắc liên cầu khuẩn lợn còn xuất hiện các triệu chứng khác: Suy thận cấp mức độ nhẹ, phát ban ngoài da (kiểu hồng ban lan rộng hoặc ban xuất huyết hoại tử), tắc mạch đầu chi…
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Thức, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (Bệnh viện trung ương Quân đội 108), những người dễ khởi phát bệnh do liên cầu lợn chủ yếu là các đối tượng bị suy giảm miễn dịch như người già yếu, đã từng phẫu thuật cắt lách, nghiện rượu, có bệnh mạn tính trong người. Streptococcus suis có thể gây nhiều bệnh lý như nhiễm độc tiêu hóa, viêm màng não, viêm phổi, xuất huyết, viêm khớp và viêm cơ tim. Nặng hơn, người bệnh có thể bị sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, suy hô hấp và suy đa tạng, dễ dẫn tới tử vong. Trong đó, viêm màng não là thể bệnh thường gặp.
Thực hiện tốt việc ăn chín, uống sôi
Bác sĩ Nguyễn Trí Thức cho biết, bệnh do nhiễm liên cầu khuẩn lợn vô cùng nguy hiểm, để lại nhiều di chứng rất nặng nề, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất hiện nay là thay đổi thói quen ăn uống, nhất là với món tiết canh - một món khoái khẩu của nhiều người. Cùng với đó, không tiếp xúc trực tiếp hoặc ăn thịt lợn ốm, chết, lợn không rõ nguồn gốc. Nếu phải xử lý lợn ốm, chết thì cần mang đồ phòng hộ, như: Găng tay, ủng, khẩu trang y tế… Ngoài ra, người dân nên mua thịt lợn đã qua kiểm định, có nguồn gốc.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cũng đưa ra khuyến cáo, người dân không nên chủ quan vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn là khoảng 7%. Nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao. Vì thế, để phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…); không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề…
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, người dân không được mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết; phải tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.