(HNM) - Những mánh lới tinh vi của những tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) giả đang là thách thức lớn với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho vấn đề này được cho là lỏng lẻo, nhiều lỗ hổng, vô tình
Công an TP Hà Nội thu giữ số lượng lớn thực phẩm chức năng kém chất lượng.Ảnh: Quang Tấn |
Bắt giữ nhiều vụ có số lượng lớn
Ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP Hà Nội (BCĐ 389 Hà Nội) cho biết, cách thức sản xuất và tiêu thụ TPCN giả của các đối tượng rất tinh vi. Chúng thường lập công ty có chức năng kinh doanh, sản xuất TPCN, sau đó thuê gia công sản phẩm bán thành phẩm như viên nang hoặc lọ không dán tem, nhãn mác.
Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ mạnh, đối tượng lập tức cho dán nhãn mác giả và đưa ra thị trường. Đặc biệt, hầu hết nguyên liệu TPCN, các đối tượng nhập về đều không rõ nguồn gốc hoặc có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá rất thấp, nhưng khi sản phẩm thành phẩm được bán ra thị trường đều được gắn nhãn mang xuất xứ từ Mỹ, Nhật Bản, Australia hay một số nước Châu Âu nhằm lừa người tiêu dùng với giá bán từ vài trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng. Qua các vụ bắt giữ từ đầu năm đến nay cho thấy, các đối tượng đã đầu tư, trang bị đầy đủ dụng cụ, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem sản phẩm.
Mới đây (ngày 29-9), qua kiểm tra địa bàn, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 5 (Chi cục QLTT Hà Nội) phối hợp với cảnh sát môi trường đã đồng loạt kiểm tra kho hàng tại số 47, ngõ 259 phố Vọng, phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng liên ngành đã phát hiện, thu giữ hàng trăm hộp TPCN không rõ nguồn gốc, trên nhãn phụ ghi TPCN bảo vệ sức khỏe giúp săn chắc cơ bắp, giảm mỡ, tăng thể lực trong các hoạt động thể thao... Chủ hàng Nguyễn Viết Đoàn, trú tại Nam Định khai nhận, đã nhập số lượng lớn TPCN từ một công ty trong TP Hồ Chí Minh sau đó bán lẻ trên địa bàn Hà Nội.
Một ngày trước đó, Đoàn liên ngành của TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Thương mại sản xuất đông nam dược Hồng Vương (địa chỉ tại số 1231/21C tỉnh lộ 13, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), chuyên về sản xuất TPCN. Dù bà Phan Thị Phương Hồng - đại diện công ty biện minh chỉ mới sản xuất thí nghiệm, nhưng trên thực tế nhiều lô hàng đã được đóng hộp và ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng. Thậm chí, có lô hàng ghi ngày sản xuất từ ngày 15-1-2015… Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp này không xuất trình được hợp đồng, hóa đơn mua nguyên liệu, chất hỗ trợ chế biến, bao bì đựng sản phẩm... Khi đánh giá ngẫu nhiên, 6 nhãn sản phẩm đều không phù hợp với công bố quy định an toàn thực phẩm.
Mức phạt chưa đủ răn đe
Theo BCĐ 389 Hà Nội, việc kiểm soát vẫn rất khó khăn do lợi nhuận kinh doanh lĩnh vực này rất cao, trong khi mức xử phạt các vi phạm lại chưa đủ sức răn đe. Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc cho biết, hiện nay hành lang pháp lý về quản lý TPCN tại Việt Nam chưa rõ ràng dẫn đến nhiều bất cập và nguy cơ. Điều kiện sản xuất chưa được quy định cụ thể, mà chung chung là sản xuất thực phẩm. Trong khi theo quy định quốc tế, điều kiện cơ sở sản xuất TPCN phải đủ các yếu tố như cơ sở, trang thiết bị, con người, quy định, phòng thí nghiệm kiểm nghiệm, nguyên liệu an toàn.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Leadviet (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, căn nguyên của vấn đề này là do điều kiện để sản xuất và kinh doanh TPCN ở Việt Nam hiện quá dễ, nên nhiều cá nhân và tổ chức đều có thể tham gia. Quy trình xin giấy phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo được thực hiện qua mạng nên việc tham gia sản xuất mặt hàng này lại càng đơn giản. Theo quy định, doanh nghiệp tự sản xuất TPCN, tự công bố tiêu chuẩn rồi bán ra thị trường. Chính vì kẽ hở này nên nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vài chục sản phẩm TPCN chính gốc ở Mỹ làm mẫu, sau đó tự tổ chức sản xuất làm giả, làm nhái sản phẩm nhập khẩu để đưa ra thị trường, đến khi bị “sờ gáy” thì đem mấy sản phẩm chính gốc ra cho nhà chức trách kiểm nghiệm.
Đã đến lúc các cấp có thẩm quyền cần xây dựng những cơ sở pháp lý về quy trình, quy chuẩn cho TPCN. Tiến tới cần có quy chế bắt buộc phải kiểm nghiệm lâm sàng, nếu nói TPCN có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gan thì phải kiểm nghiệm lâm sàng xem có tác dụng đúng như vậy mới cấp phép cho bán ra thị trường để bảo vệ sự an toàn sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.