Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều khó khăn trong quản lý đất rừng

Ánh Dương| 25/09/2017 06:47

(HNM) - TP Hà Nội có gần 27.757ha rừng và đất lâm nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn giá trị đa dạng sinh học, điều hòa khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, việc quản lý đất rừng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, cần được giải quyết kịp thời.


Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sóc Sơn lập phương án tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Bá Hoạt


Vướng trong quản lý

Rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố tập trung ở các huyện: Thạch Thất, Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Sơn Tây… Tuy nhiên, hiện chưa có mô hình quản lý đất rừng bền vững, hiệu quả, công tác đo đạc, đánh giá hiện trạng đất rừng và đất nông nghiệp chưa được cập nhật thường xuyên. Đặc biệt, sự chồng chéo trong quản lý đất rừng đang ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Đơn cử, huyện Sóc Sơn có hơn 4.000ha rừng, được thành phố quy hoạch là rừng phòng hộ, trước kia đây là rừng sản xuất, được giao cho hộ gia đình. Khi quy hoạch rừng phòng hộ, Nhà nước không đền bù, hỗ trợ, di dời dân và thu hồi đất, nên người dân không hiểu rõ bản chất quy hoạch và cho rằng có quyền sử dụng, canh tác đất rừng đó. Thậm chí, nhiều hộ xây nhà ở trên diện tích này từ nhiều năm nay. Ngoài ra, một số chủ rừng và hộ gia đình chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ rừng, nên lơ là, thiếu cảnh giác, dẫn đến trực tiếp hoặc gián tiếp gây cháy rừng…

Rừng đặc dụng ở huyện Mỹ Đức vốn gắn chặt với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nên công tác bảo vệ được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, trong lòng rừng đặc dụng có những thung đất diện tích lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm héc ta hiện vẫn do người dân sử dụng để trồng cây nông nghiệp, cây ăn quả...

Những tồn tại trên đã rõ, nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội (đơn vị quản lý rừng phòng hộ ở Sóc Sơn, rừng đặc dụng ở Mỹ Đức) vẫn chưa được nhận bàn giao mốc giới và tổng diện tích đất trên thực địa, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, hiện trạng đất rừng và đất lâm nghiệp có nhiều biến động, nhiều diện tích từng là đất rừng hoặc đất lâm nghiệp nhưng nay thành khu dân cư, trụ sở một số cơ quan, đơn vị... như ở huyện Thạch Thất. Do nhiều yếu tố khách quan, đặc thù, nên việc quản lý rừng ở đây rất khó trong việc theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, thống kê, rà soát, lập quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, một số diện tích rừng đã giao khoán cho các hộ dân nhưng nằm xen kẹt hoặc gần khu dân cư, nên nhiều gia đình tự ý trồng cây ăn quả trên đất rừng…

Cần giải pháp cụ thể

Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội đang lập báo cáo đề xuất với thành phố chủ trương đầu tư các dự án: Quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững rừng phòng hộ - đặc dụng TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; phục hồi, phát triển bền vững rừng phòng hộ bảo vệ môi trường TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn các huyện: Sóc Sơn, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất; xây dựng khu bảo tồn đặc biệt tại rừng đặc dụng Hương Sơn…

Tuy nhiên, theo Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, hiện nay, trong số hơn 4.000ha rừng ở Sóc Sơn quy hoạch rừng phòng hộ lại có khoảng 180ha được quy hoạch vườn quả. Bất cập hơn là, quy hoạch rừng phòng hộ đang bị chồng lấn, quy hoạch cả đất thổ cư vào đất rừng, dẫn đến tranh chấp vì chưa xác định được mốc giới. Vấn đề này rất cần cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát.

Theo đó, những hộ sinh sống trong rừng phòng hộ, nếu đủ điều kiện, có cam kết trồng, bảo vệ rừng, thì sẽ tiếp tục giao đất; những hộ đã hết thời hạn cho thuê đất rừng, không đủ điều kiện trồng, chăm sóc rừng, nếu có cây đến kỳ, phải cho thu hoạch, những cây mới sinh trưởng, chưa thể thu hoạch, cần định giá để hỗ trợ người dân di dời, sau đó thu hồi đất rừng. Riêng rừng đặc dụng ở Mỹ Đức, rất cần có phương án hỗ trợ người dân trồng cây lâm nghiệp trên các thung đất, cho phép làm nông nghiệp dưới tán rừng nhưng cần bảo đảm nguyên tắc bảo vệ rừng…

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên đánh giá: Đối với rừng sản xuất, về cơ bản, công tác quản lý chưa thống nhất, thiếu chặt chẽ; cây trồng chưa đồng bộ… nên không phát huy hiệu quả. Do vậy, cần có những biện pháp cụ thể, nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đối với UBND các cấp; đồng thời, quy định cụ thể, tạo sự đồng bộ, đúng quy hoạch, bảo đảm trồng rừng phát triển tốt, hiệu quả cao. Đối với những diện tích rừng nhỏ lẻ (khoảng 2-5ha) ở các huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây… cần rà soát, thẩm định năng lực các tổ chức, gia đình, cá nhân để giao đất, giao rừng ổn định, lâu dài; đồng thời, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng, quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên cơ sở gắn trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ rừng đối với cá nhân, tập thể được giao…

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần thống kê, đo đạc diện tích, xác định mốc giới, đánh giá các mô hình quản lý… để việc giao khoán rừng sát thực tế, rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo và đạt hiệu quả tích cực với mục tiêu an toàn rừng để bảo vệ Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều khó khăn trong quản lý đất rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.