(HNM) - Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, sáng 20-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm, chúc mừng lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá thời gian qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của các bộ, ngành đến với nhân dân, góp phần quan trọng trong việc thực hiện cải cách hành chính, công khai minh bạch trong hoạt động của tổ chức bộ máy nhà nước. Trong thời kỳ hội nhập ngày càng phát triển, thời cơ và thách thức đối với báo chí ngày càng lớn, do vậy, thời gian tới, Cổng thông tin Chính phủ cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, tạo sự đồng thuận, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tập hợp nhân dân, đóng góp vào sự phát triển của đất nước; tiếp tục phối hợp với MTTQ Việt Nam trong việc tuyên truyền các phong trào, cuộc vận động do MTTQ phát động, giám sát và phản biện xã hội.
* Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày 20-6 Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển - RED (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức hội thảo "Những nhân tố tác động đến hành vi cản trở tác nghiệp báo chí giai đoạn 2011-2016". Hoạt động này nhằm báo cáo đánh giá lại vấn đề RED đã nghiên cứu 5 năm qua, xác định những tồn tại và tìm ra hướng can thiệp trong thời gian tới.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu độc lập thuộc RED cho thấy, môi trường tác nghiệp báo chí 5 năm qua phức tạp hơn, mức độ rủi ro cao hơn. Hành vi cản trở phổ biến là cản trở quyền thông tin của nhà báo và đe dọa, hành hung nhà báo với số lượng vụ việc tăng. Nguyên nhân do cả chủ quan và khách quan, một phần từ chính người làm báo không tuân thủ quy trình, đạo đức nghề báo, phần khác là do sự can thiệp, cản trở công bố thông tin từ các cá nhân, doanh nghiệp (thông qua các mối quan hệ mang tính chi phối)...
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ra xu hướng và cách thức tạo môi trường hoạt động báo chí thuận lợi, chuyên nghiệp, như: Bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp - nhóm đối tượng chịu tác động cao của báo chí; Tăng cường đào tạo, chuẩn hóa quy trình tác nghiệp, chú trọng kỹ năng tác nghiệp an toàn cho phóng viên và thiết lập mạng lưới đồng nghiệp bảo vệ đồng nghiệp...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.