(HNM) Hội chợ Sách thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VII - sự kiện xuất bản hàng đầu cả nước vừa diễn ra với nhiều gam màu đa sắc. Số lượng đông đảo người tham quan hội chợ tạo niềm tin cho những đơn vị làm sách, cho dù doanh thu được dự đoán có thể không bằng hội chợ diễn ra hai năm về trước.
Thiếu vắng giao dịch bản quyền
Cho dù không có chữ "quốc tế" nhưng các đơn vị làm sách vẫn luôn coi Hội chợ sách TP Hồ Chí Minh lần VII (gọi tắt là Hội chợ) là cơ hội để tìm hiểu và thực hiện các giao dịch bản quyền. Nếu chỉ nhìn vào số lượng các NXB nước ngoài tham gia thì rất đáng hy vọng. Tuy nhiên, thực tế gian hàng của các nhà xuất bản nước ngoài chỉ có nhiệm vụ… trưng bày và bán sách ngoại văn… giá cao. Ở đây tuyệt nhiên không có bóng dáng đại diện của các đơn vị, tập đoàn xuất bản nước ngoài, cũng có rất ít các thông tin giới thiệu tác phẩm mới. Người viết vào vai nhân viên bản quyền của một công ty sách A ngỏ ý tìm hiểu một số tác phẩm của những thương hiệu xuất bản như Parragon, Garnet, Penguin… nhưng được một nhân viên bán hàng nói rằng ở đây chỉ… bán sách ngoại văn, còn muốn liên hệ với các nhà xuất bản trên thì họ cũng không biết.
Độc giả lựa chọn những cuốn sách hay. |
Rõ ràng sự thiếu vắng các hoạt động trên đặt ra cho BTC hội chợ những câu hỏi lớn về tính chuyên nghiệp và nâng tầm thương hiệu Hội chợ sách TP Hồ Chí Minh vào những lần sau.
Tương tự như vậy, hoạt động giao lưu giữa độc giả với tác giả/dịch giả/đơn vị làm sách là sự kiện quan trọng của bất cứ một hội chợ sách nào. Cũng không thể tránh được một vài tác giả, dịch giả vì lý do đột xuất đành lỡ hẹn. Tuy nhiên, một vài chương trình "trọng điểm" được chuẩn bị công phu, nhận được sự quan tâm của giới văn nghệ sĩ, trí thức thì bất ngờ bị hủy ở phút thứ 89. Chương trình giao lưu với dịch giả Bùi Văn Nam Sơn nhân tái bản tác phẩm "Hiện tượng học tinh thần của Hegel", chương trình "Sách và chấn hưng giáo dục" của dự án Sachhay.com, giới thiệu sách "Theo đuổi tri thức" của TS Nguyễn Thị Từ Huy và TS Phạm Quốc Lộc… đều bị tạm dừng một cách… khá lạ lùng. Cũng như các hoạt động giao dịch bản quyền, những chương trình giao lưu được chuẩn bị kỹ càng với hàm lượng "chất xám cao" có sự tham dự của các trí thức hàng đầu chính là bảo chứng cho chất lượng, uy tín của một hội chợ sách. Tiếc thay nó lại chưa thật hoàn thiện ở hội chợ lần này.
Bùng nổ tìm hiểu sách điện tử
Một điều có lẽ nằm ngoài dự đoán của BTC và những đơn vị xuất bản tham gia hội chợ lần này là sự bùng nổ các hoạt động tìm hiểu và giao dịch bản quyền sách điện tử giữa các công ty công nghệ thông tin và những công ty sách. Thành công ban đầu của Alezaa, Booknet, thuvienso, Sam sung, VNN Plus, Mobile Plus… đã lôi kéo cả những thương hiệu lớn như Viettel, FPT tham gia vào thị trường sách điện tử. Các giao dịch thành công của Firstnews, Alphabook, Nhã Nam, Quảng Văn, NXB Trẻ, NXB Kim Đồng… với những thương hiệu trên trước đó đã khích lệ các công ty sách còn lại bớt đi phần e dè. Có thể kể đến OokBee, một mô hình kinh doanh sách điện tử rất thành công ở Thái Lan cũng đã có những giao dịch đầy triển vọng với một số nhà xuất bản và công ty sách ở Việt Nam. Một nhân viên kinh doanh của Lạc Việt chia sẻ: "Sách điện tử sẽ có một tương lai tươi sáng. Lạc Việt cũng như một số công ty khác đã phát triển được phần mềm đọc sách của riêng mình. Hơn thế nữa, sự tham gia của Viettel, Mobile… đã giúp việc thanh toán điện tử trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sách điện tử ở Việt Nam cũng còn gặp không ít trở ngại. Thứ nhất, hệ thống hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Thứ hai, hầu hết các xuất bản phẩm hiện nay chỉ được mua bản quyền về sách in khiến việc số hóa những tác phẩm trên bị chậm trễ". Cùng chung quan điểm này, đại diện của Booknet dự đoán rằng: "Trước mắt, sách điện tử vẫn là một thị trường cho tương lai, vì hiện tại doanh thu từ sách điện tử là không đáng kể, chỉ chiếm 1-3% trong tổng doanh thu hằng năm của các công ty sách…".
Hút khách từ sự khác biệt
Để chuẩn bị cho hội chợ sách 2012, không ít đơn vị đã dành nhiều thời gian, công sức để tạo sự bất ngờ cho độc giả. NXB Trẻ kỳ công in 105 cuốn sách mới về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên giấy dó, đựng trong hộp sơn mài Bình Dương, bọc ngoài bằng túi lụa Hà Nam do các nghệ nhân Hội An thực hiện. Trong chương trình bốc thăm khuyến mãi tặng sách, NXB này đã in trên mỗi lá thăm thông tin tên các đảo của hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Nhã Nam thì tạo ra một "đám đông khủng khiếp" trước gian hàng của mình khi phát hành ấn phẩm "Ai và Ky ở xứ sở những con số diệu kỳ" của đồng tác giả Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn, "Lolita" của nhà văn Nabokov do dịch giả Dương Tường chuyển ngữ và show ký tặng, chụp ảnh lưu niệm của "Dâu" nhân dịp xuất bản "Ngược chiều vun vút". Sách hay cùng không gian sang trọng của những giá sách được làm bằng gỗ quý đã giúp gian hàng của Nhã Nam trở nên nổi bật. Một độc giả chia sẻ, nếu như có cuộc bình chọn gian hàng ấn tượng nhất, chắc chắn Nhã Nam sẽ giật giải. Ở chính giữa trung tâm hội chợ, gian hàng nhỏ nhắn của Quảng Văn trở thành điểm hẹn của những độc giả nữ yêu thích tiểu thuyết lãng mạn. Một điểm đặc biệt "hút khách" tại gian hàng này là nhân viên bán sách đồng thời là độc giả thân thiết của công ty. Thậm chí kế hoạch hội chợ và thiết kế gian hàng đều là những ý tưởng do độc giả thân thiết của Quảng Văn "hiến kế"…
Lại phải hai năm nữa mới đến kỳ hội chợ lần thứ VIII. Như vậy, là có rất nhiều việc phải làm cũng như cơ hội mở ra cho các nhà làm sách Việt Nam thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.