Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều giải pháp thu hồi nợ thuế

Hương Thủy| 21/09/2022 06:19

(HNM) - Tổng số tiền nợ thuế do ngành Thuế quản lý tính đến ngày 31-8-2022 tăng nhẹ so với thời điểm ngày 31-7-2022 và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022, song song với việc nuôi dưỡng và quản lý nguồn thu, ngành Thuế đang thực hiện nhiều giải pháp tăng cường thu hồi nợ thuế.

Hướng dẫn người nộp thuế thực hiện các thủ tục tại Chi cục Thuế quận Đống Đa (Cục Thuế thành phố Hà Nội). Ảnh: Đỗ Tâm

Nợ thuế có xu hướng tăng

Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31-8-2022 là 134.097 tỷ đồng, tăng 0,3% so với thời điểm ngày 31-7-2022, tăng 16,6% so với thời điểm ngày 31-12-2021. Lũy kế đến cuối tháng 8-2022, ngành Thuế thu nợ được 22.829 tỷ đồng, bằng 54,4% chỉ tiêu thu nợ năm 2022.

Theo lý giải của Tổng cục Thuế, một số doanh nghiệp, tổ chức được gia hạn nộp thuế theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28-5-2022 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022, nhưng chưa nộp giấy đề nghị đến cơ quan thuế nên vẫn phải theo dõi nợ, làm tổng số nợ thuế tăng lên. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến chưa nộp kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tăng do một số dự án gặp vướng mắc, chưa đi vào hoạt động, nên chủ đầu tư chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, tính đến ngày 31-7-2022, nợ nghĩa vụ tài chính về đất và tiền chậm nộp là 12.162 tỷ đồng, chiếm tới 54% số nợ thuế. Trong đó, tiền chậm nộp về đất là 4.844 tỷ đồng, chiếm 21,5% số nợ do các khoản nợ kéo dài nhiều năm.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, có tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc quay vòng vốn để sản xuất, kinh doanh nên khất nợ thuế để có vốn tiếp tục đầu tư. Vì vậy, ngành Thuế nên xem xét kỹ nguyên nhân chủ quan và khách quan, nếu doanh nghiệp phục hồi, hoạt động tốt, có doanh thu thì vận động doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ thuế. Còn doanh nghiệp vẫn khó khăn, ngành Thuế cần nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp.

Đoàn công tác liên ngành thành phố Hà Nội làm việc với các doanh nghiệp còn nợ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, tiền chậm nộp.

Quyết liệt và sâu sát trong quản lý nợ thuế

Để tăng cường thu hồi nợ thuế, theo Tổng cục Thuế, từ nay đến cuối năm 2022, Tổng cục sẽ tiếp tục rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng, lập danh sách những doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nguyên nhân, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng đối tượng. Trường hợp chây ỳ, ngành Thuế sẽ kiên quyết cưỡng chế thu nợ theo quy định. Cùng với đó là tập trung giải quyết kịp thời việc xử lý gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2022 theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP để hỗ trợ người nộp thuế sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Giải pháp khác là tập trung giải quyết kịp thời việc xử lý miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020 theo quy định, để hỗ trợ người nộp thuế sản xuất, kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan trong việc thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Về phía địa phương, thực hiện chỉ đạo trong việc giám sát các dự án chậm triển khai trên địa bàn, mới đây, Đoàn công tác liên ngành thành phố Hà Nội gồm Cục Thuế thành phố Hà Nội, các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã có dự án đã làm việc với 26 doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án còn nợ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất... Tại buổi làm việc, liên ngành thành phố đã thể hiện rõ sự quyết liệt trong việc đôn đốc thu hồi nợ thuế, triển khai các biện pháp thu hồi nợ đọng, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Theo đó, các chủ đầu tư còn nợ ngân sách nhà nước sẽ không được thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mới hoặc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai theo Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 của HĐND thành phố Hà Nội. Cơ quan thuế sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp cưỡng chế; đồng thời, phối hợp với Cục Quản lý xuất, nhập cảnh (Bộ Công an) đề nghị dừng xuất, nhập cảnh đối với đại diện pháp luật của các doanh nghiệp nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Đặc biệt, với những dự án mà doanh nghiệp đã hoàn thành, tổ chức bán sản phẩm, thu tiền của khách hàng nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các sở, ngành thu thập thông tin, điều tra, xác minh và xử lý theo quy định. Riêng với các dự án còn vướng mắc trong việc triển khai, xác định nghĩa vụ tài chính về đất, trên cơ sở kết quả làm việc, liên ngành tổng hợp, báo cáo UBND thành phố giao các đơn vị chức năng giải quyết dứt điểm những kiến nghị và vướng mắc của chủ đầu tư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp thu hồi nợ thuế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.