(HNM) - Hiện hoạt động mại dâm trên địa bàn Hà Nội cơ bản được kiềm chế, nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đã, đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi tệ nạn mại dâm, góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.
Diễn biến phức tạp
Những năm gần đây, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội liên tục kiểm tra, giám sát, nhằm từng bước đẩy lùi nguy cơ phát sinh tệ nạn mại dâm. Riêng năm 2019, Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm (Đội Liên ngành 178) các cấp đã kiểm tra hơn 1.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự, qua đó phát hiện, xử lý vi phạm hơn 100 cơ sở với số tiền gần 600 triệu đồng.
Cùng với đó, lực lượng công an đã phát hiện, triệt phá hơn 100 vụ liên quan đến hoạt động mại dâm với gần 600 đối tượng bị bắt giữ, gần 500 đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính… Nhờ đó, đến thời điểm này, nhiều điểm, tụ điểm mại dâm công cộng như ở Khu vực Công viên Hòa Bình (quận Bắc Từ Liêm); đường Hồng Hà, Phạm Ngũ Lão, dốc Bác Cổ (quận Hoàn Kiếm); đường Yersin - Vườn hoa Pasteur, Nguyễn Huy Tự, Trần Khánh Dư (quận Hai Bà Trưng); đường Giải Phóng, Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai)... cơ bản đã bị triệt xóa.
Mặc dù tệ nạn mại dâm đã được kiềm chế, không phát sinh các điểm, tụ điểm mới, nhưng hoạt động này lại diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Theo phản ánh của các cơ quan chức năng, tại những khu vực công cộng, thay vì đứng chờ khách như trước đây, hiện người bán dâm thường dùng phương tiện xe máy giống như người đi đường để tìm khách. Đáng lo hơn là mại dâm theo hình thức “gái gọi”, “tour”, “sự kiện”… có chiều hướng gia tăng. Đối tượng bán dâm là nam giới đã xuất hiện, hoạt động vô cùng tinh vi.
Trong khi đó, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm đang gặp nhiều khó khăn. Bởi, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện thường chỉ là nơi giao dịch, thỏa thuận giá, không tổ chức mua, bán dâm, nên không dễ phát hiện. Hơn nữa, đa số đối tượng liên quan đến bán dâm đều sử dụng internet, mạng xã hội để trao đổi.
Nếu “gặp khách”, họ thường hẹn đến nhà nghỉ, khách sạn hoặc đến nhà riêng để thực hiện hành vi mua, bán dâm, khiến các cơ quan chức năng rất khó bắt quả tang. Mức xử phạt lại quá nhẹ, không đủ răn đe để họ dừng hoạt động… Bên cạnh đó, những website hoạt động môi giới mại dâm thường đặt máy chủ ở nước ngoài, sau khi bị chặn, họ sẽ đổi sang những tên miền khác mà vẫn giữ nguyên nội dung, nên khó quản lý.
Tăng cường phối hợp liên ngành
Hà Nội có nhiều vùng giáp ranh với các địa phương khác, cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ. Thống kê cho thấy, toàn thành phố hiện có hơn 5.822 cơ sở đang hoạt động, trong đó có 1.085 cơ sở kinh doanh karaoke, 874 cơ sở xoa bóp… Đây là “môi trường” tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mại dâm.
Thời gian qua, các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động này, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) kiến nghị, các cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung quyền xử phạt cho Đội Liên ngành 178.
“Theo các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, Đội Liên ngành 178 chỉ có quyền kiểm tra, lập biên bản khi phát hiện ra hành vi vi phạm, sau đó gửi kiến nghị xử lý đến các cơ quan có thẩm quyền. Dẫn đến có trường hợp xử lý chưa kịp thời, ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống tệ nạn mại dâm”, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Phùng Quang Thức cho hay.
Cùng với công tác kiểm tra, Phó Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) Nguyễn Sỹ Tuấn đề nghị, các ngành, địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp người dân hiểu việc tham gia vào hoạt động mại dâm là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến môi trường xã hội. Hình thức tuyên truyền cần dễ nhớ, dễ hiểu, đi vào thực chất, để mọi đối tượng đều có thể tiếp thu.
Từ kinh nghiệm tái hòa nhập cộng đồng của bản thân, chị N.V.H., trú tại huyện Thanh Trì cho rằng: “Người bán dâm thường có hoàn cảnh khó khăn, lại mang cảm giác tự ti, mặc cảm, nên họ rất cần nhận được sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần để tái hòa nhập cộng đồng. Bản thân tôi được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thanh Trì hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng làm nguồn sinh kế. Có việc làm và thu nhập, tôi tin những người từng bán dâm sẽ không trở lại con đường cũ”.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động ký kết với ngành Văn hóa - Thể thao, Du lịch, Công an nhằm tạo ra mạng lưới phòng, chống tệ nạn mại dâm thông suốt từ thành phố tới cơ sở.
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đang triển khai thí điểm “Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội” tại phường Ngọc Khánh và Cống Vị (quận Ba Đình); phường Yên Hòa và Trung Hòa (quận Cầu Giấy) từ tháng 7-2019 đến nay, bước đầu mang lại những kết quả khả quan.
Với sự quyết tâm từ nhiều phía, hy vọng tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ từng bước được đẩy lùi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.