(HNM) - Việc bộ Atlas thế giới của nhà địa lý kiệt xuất Philippe Vandermaelen (Bỉ), xuất bản năm 1827, được mua lại và trao tặng cho Bộ Thông tin - Truyền thông mới đây đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Bộ Atlas cung cấp nhiều tư liệu quan trọng, góp thêm căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) về quá trình tiếp cận, nghiên cứu tài liệu quan trọng này.
- Thưa GS, được biết GS và học trò - nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Hải - đã tham gia từ đầu việc tìm hiểu và đưa về Việt Nam bộ Atlas thế giới Bruxelles năm 1827. Xin GS chia sẻ về quá trình tiếp cận bộ tài liệu này!
- Chỉ cách đây chưa đầy hai tháng, khi đang thực hiện một cuộc triển lãm về bản đồ, tư liệu Trường Sa, Hoàng Sa ở Phú Yên, cô Nguyễn Thị Hải - hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Pháp - đã cho tôi biết về một tấm bản đồ rời mà cô tìm thấy. Đó là tấm 106 của Atlas (Partie de la Cochinchine). Ngay khi nhìn bức ảnh chụp lại mà Hải gửi cho, tôi nhận thấy nó có giá trị khẳng định rất rõ chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và thấy rằng phải tiếp cận và nghiên cứu kỹ hơn. Sau khi phát hiện tấm bản đồ nằm trong một bộ Atlas vĩ đại được xuất bản đầu thế kỷ XIX, tôi trao đổi với Hải về việc đi sâu tìm kiếm nguồn gốc cũng như nghiên cứu, đánh giá giá trị của tài liệu này. Đó là tư liệu mà đất nước chúng ta đang rất cần. Với một tài liệu có tính quốc tế cao như vậy, việc có được bản gốc là hết sức giá trị. Từ đó, Nguyễn Thị Hải đã lên mạng tìm hiểu, rồi tiếp xúc nhiều nơi và biết chắc chắn nó được in tại Bỉ năm 1827. Sau khi đã có những cơ sở chắc chắn, tôi báo cáo Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ đã đi đến quyết định tạo điều kiện cho tôi đi Châu Âu nghiên cứu trực tiếp văn bản gốc để đánh giá.
- Đáng mừng là chuyến đi đã thu được kết quả tích cực chỉ sau một thời gian ngắn…
- Thật may mắn là ngay từ đầu, bên cạnh sự ủng hộ, chỉ đạo của Bộ Thông tin - Truyền thông, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Ngô Chí Dũng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dược phẩm ECO. Cùng với quan hệ khá tốt của mình với nhiều nhà nghiên cứu quốc tế ở Pháp và Bỉ, tôi đã gặp gỡ được nhiều chuyên gia am hiểu lĩnh vực này, đi được tất cả những nơi theo kế hoạch. Ngoài bản Atlas gốc mà chúng tôi muốn tìm hiểu, chúng tôi còn tiến hành khảo sát 5 bộ Atlas ở các thư viện quốc gia Pháp, Bỉ, thư viện ĐH Y Paris, thư viện địa lý Hoàng gia Bỉ. Chúng tôi đã mời các chuyên gia về địa lý học, bản đồ học, sử học, luật học, thư viện học cho ý kiến và thảo luận, thống nhất đánh giá để có cơ sở xác định bộ Atlas thế giới của Hiệu sách cổ Sanderus, số 32, Nederkouter, thành phố Gent, nước Bỉ, là bộ gốc, xuất bản tại Bruxelles năm 1827. Sau khi có được những thông tin quan trọng này, ông Ngô Chí Dũng đã quyết định mua trọn bộ 6 tập Atlas thế giới. Chúng tôi cũng đã mời người thẩm định. Bộ Ngoại giao sau đó đã tiếp quản và thực hiện các công đoạn kế tiếp.
- Chắc hẳn GS và các cộng sự giờ đây đang cảm thấy kết quả thật xứng đáng với công sức mà mình bỏ ra?
- Quả thật, đây là một tài liệu vô giá, là bằng chứng có giá trị pháp lý quốc tế cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước. Bên cạnh đó, kết quả của chuyến nghiên cứu đã thể hiện một tinh thần trách nhiệm rất lớn đối với đất nước, thông qua sự giúp đỡ nhiệt tình của Bộ Thông tin - Truyền thông và sự hỗ trợ vô tư, tối đa của doanh nghiệp với công việc nghiên cứu. Tôi không thể thực hiện được điều này nếu không có những sự hỗ trợ đó.
- Xin trân trọng cảm ơn GS!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.