Một số cán bộ xã Kỳ Nam (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã “đứng tên” 11 hồ sơ khống để nhận hơn 1,3 tỉ đồng tiền đền bù đất nhằm... có tiền trả nợ cho dân. Không chỉ sai khi lập hồ sơ khống, những cán bộ đó còn nhận tiền trích phần trăm khi đứng tên.
Khu TĐC thôn Minh Huệ nơi trước đó lãnh đạo xã Kỳ Nam đứng tên trong 11 hộ dân được lập khống để nhận đền bù hơn 1,3 tỉ đồng. Ảnh: Trần Tuấn |
Theo đơn tố cáo của một số người dân xã Kỳ Nam, một số lãnh đạo xã Kỳ Nam đã đứng tên trong danh sách khống 11 hộ dân có đất ở thôn Minh Huệ (Kỳ Nam) nhận đền bù hơn 1,3 tỉ đồng khi bị thu hồi xây dựng Khu TĐC cho người dân xã Kỳ Lợi (Kỳ Anh). Để rõ hơn vụ việc, chiều ngày 26.4, PV Báo Lao Động đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đình Vin - Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam.
Theo ông Vin, năm 1999, có một số hộ dân xã Kỳ Nam đăng ký mua đất trong xã. Lãnh đạo xã thời kỳ đó đã thu tiền mỗi hộ dân từ 2 - 5 triệu đồng, nhưng chưa giao đất cho dân. Số tiền thu được, sau đó được sử dụng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng như trường mầm non, mua sắm bàn ghế... Từ khoảng năm 2010 - 2011, một số hộ dân khác tiếp tục nộp tiền vào ngân sách xã để mua đất ở thôn Minh Huệ, nhưng do có thông báo đất ở khu vực này sẽ thu hồi làm Khu TĐC nên chưa giao đất cho dân.
Sự việc kéo dài nhưng không có đất giao khiến người dân bức xúc, yêu cầu lãnh đạo xã trả tiền lại. Nhiều lần đơn vị thi công một số dự án trên địa bàn, nhiều hộ dân đã ra ngăn cản thi công, yêu cầu trả lại tiền vì mãi không có đất giao cho họ. Trước tình hình bức bí đó, xã đã lập hồ sơ 11 hộ dân do một số cán bộ đứng tên có đất ở thôn Minh Huệ bị thu hồi để nhận đền bù lấy tiền trả nợ cho dân” - ông Vin giải thích. Ông Vin cũng thừa nhận, các cán bộ xã đã đứng tên trong 11 hồ sơ bị thu hồi đất ở thôn Minh Huệ năm 2012 để phục vụ xây dựng Khu TĐC xã Kỳ Lợi với điều kiện, mỗi người đứng tên được trích 5% số tiền đền bù cho hộ dân mình đứng tên.
11 hộ có đất khống mà lãnh đạo xã đứng tên đó được nhân đền bù tổng số tiền là 1,372 tỉ đồng. Trong đó, tổng số tiền đã trích lại cho các cán bộ đứng tên hơn 56 triệu đồng. Còn lại, chi trả lại tiền cho một số hộ dân đã mua đất trước đó nhưng chưa được giao đất, tính cả tiền gốc và tiền lãi. Số tiền dư lại gần 400 triệu đã đưa vào ngân sách của xã để chi các khoản giao thông nội đồng, hội quán thôn, tu sửa khuôn viên trạm y tế xã...
Cũng theo ông Vin, sau khi thanh tra đã vào cuộc, sau đó xã đã thu hồi lại hơn 56 triệu đồng (tiền trích 5% cho cán bộ xã) nộp lại vào ngân sách xã.
Về việc lãnh đạo xã dám ngang nhiên đứng tên trong danh sách khống nhận đền bù hơn 1,3 tỉ đồng, ông Vin cho rằng, thời điểm đó xã đã có tờ trình và được ông Nguyễn Hoài Sơn - PCT UBND huyện Kỳ Anh - Trưởng Ban GPMB - đồng ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.