(HNM) - Bốt thông tin du lịch (Tourist Information Kios) nhìn bề ngoài giống như bốt điện thoại thẻ, với diện tích khoảng 1,5m2, có mái che, bên trong đặt 1-2 màn hình cảm ứng.
Bốt thông tin du lịch gần Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bị tê liệt hoàn toàn.
Người sử dụng chỉ cần nhắp tay vào các biểu tượng trên màn hình để tìm kiếm thông tin cần thiết từ các điểm du lịch, nhà hàng ăn uống, khách sạn, phương tiện di chuyển, các địa điểm giải trí cũng như nhận được các hướng dẫn chỉ đường... Tiện lợi và cần thiết là thế nhưng hiện nay nhiều bốt thông tin du lịch lại đang ở trong tình trạng "sống dở, chết dở"...
Khảo sát quanh hồ Hoàn Kiếm - nơi thường tập trung đông khách du lịch khi đến Hà Nội, chúng tôi nhận thấy có 9 bốt thông tin du lịch được lắp đặt rải rác quanh khu vực này, nhưng có đến hơn nửa số đó không hoạt động, cái thì "chết" màn hình, cái thì báo lỗi hệ điều hành, không vận hành được. Trên tuyến phố Lê Thái Tổ, các điểm máy bị "chết" gồm bốt thông tin đối diện Siêu thị Intimex, bốt gần Nhà hàng kem Bốn Mùa. Còn tại phố Đinh Tiên Hoàng, số lượng bốt thông tin du lịch ở trong tình trạng "đắp chiếu" lên đến 4 máy. Bốt thông tin đôi ở gần đền Bà Kiệu thì cả 2 máy đều "chết". Chiếc ở gần trạm xe buýt, đối diện Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cũng trong tình trạng tê liệt và bị "quây" ngăn bởi các tấm rào sắt chống đua xe. Chiếc ở gần cổng Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, góc ngã ba Đinh Tiên Hoàng - Trần Nguyên Hãn thì màn hình bị lỗi hệ thống… Ngoài ra, không ít bốt thông tin du lịch mặc dù còn hoạt động nhưng lại bị các điểm trông giữ xe quây kín như bốt thông tin đặt ở góc ngã ba Lê Thái Tổ - Báo Khánh, bốt góc Vườn hoa Lý Thái Tổ, góc ngã ba Đinh Tiên Hoàng - Lê Thạch...
Để các bốt thông tin du lịch hoạt động hiệu quả, đề nghị đơn vị chủ quản cần kiểm tra, sửa chữa các máy hư hỏng, đồng thời thường xuyên thực hiện vệ sinh máy và bốt thông tin du lịch, bảo đảm vệ sinh, mỹ quan đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.