Y tế

Nhiều bệnh nhân bị rắn hổ mang, rắn lục… tấn công

Thu Trang 19/07/2023 - 16:52

Thời gian gần đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị rắn hổ mang, rắn lục, rắn cạp nong, cạp nia… tấn công.

Nhiều trường hợp trong số này bị hoại tử tay hoặc chân nghiêm trọng, có nguy cơ phải tháo đốt ngón tay, ngón chân, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Đơn cử như nam bệnh nhân N.Đ.T (54 tuổi, ở Thanh Hóa) bất ngờ bị rắn hổ mang tấn công, cắn vào ngón tay trỏ khi đang dọn rơm trong sân vườn. Sau khi bị rắn cắn, toàn thân ông T đau đớn, tê dại. Ngay sau đó, ông T được gia đình đưa tới bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu và được chuyển tiếp lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Tại đây, phần ngón trỏ của bệnh nhân đã bị hoại tử đen tím. Các bác sĩ đã phải truyền huyết thanh chống độc và cho uống kháng sinh, cố gắng giữ được ngón tay cho bệnh nhân.

benh-nhan-bi-ran-can(1).jpg
Nam bệnh nhân bị rắn cắn điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Tương tự, nữ bệnh nhân Đ.T.L (49 tuổi, ở Hà Nội) cũng bị rắn hổ mang cắn khi đang dọn cỏ ở ruộng. Sau khi nhập viện gần 1 ngày, được truyền huyết thanh, bệnh nhân vẫn trong tình trạng toàn thân đau đớn…

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đây chỉ là hai trong số nhiều ca bệnh bị rắn độc cắn mà trung tâm tiếp nhận trong thời gian gần đây. Các bệnh nhân phổ biến bị tấn công bởi rắn hổ mang, rắn lục, một số ít trường hợp gặp phải rắn cạp nong, cạp nia… Nhiều trường hợp trong số này bị hoại tử tay hoặc chân nghiêm trọng, có nguy cơ phải tháo đốt ngón tay, ngón chân, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, một trong những thói quen của người Việt Nam, đó là trong quá trình làm ruộng, làm vườn thường không dùng các loại dụng cụ như đèn, gậy, không đeo găng tay bảo hộ nên rất dễ bị rắn cắn. Điều đáng nói là có không ít bệnh nhân chủ động bắt rắn để làm thực phẩm hoặc mang đi bán… Điều này vô cùng nguy hiểm, đánh cược mạng sống với “tử thần”.

Các chuyên gia cảnh báo, mỗi loại rắn thường có độc tính của nọc khác nhau. Triệu chứng, tình trạng ngộ độc của người bị rắn cắn phụ thuộc vào loài rắn, vị trí vết cắn. Việc điều trị hữu hiệu nhất là dùng huyết thanh kháng nọc rắn, thời điểm sử dụng tốt nhất là 6 giờ đầu, chậm nhất trong 24 giờ.

Thời gian qua, Trung tâm Chống độc tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân phải điều trị kéo dài, tháo ngón tay, khớp tay… Bởi, sau khi bị rắn cắn, thay vì đến bệnh viện, các bệnh nhân lại đi tìm thầy lang, đắp lá thuốc… Khi tới bệnh viện, do quá “thời gian vàng” nên không còn cơ hội để cứu chữa.

“Hiện nay, thuốc giải độc rắn có nhiều loại tốt, đặc biệt với các loại rắn phổ biến như rắn hổ mang, rắn lục. Các loại thuốc này giúp giải độc tốt, ngăn chặn hoại tử sắp xuất hiện hoặc cứu vùng cơ thể đang bị hoại tử. Sau khi dùng thuốc, vùng hoại tử có thể lập tức sáng màu hơn. Từ đó, bệnh nhân giảm nguy cơ để lại các di chứng như cụt tay, cụt chân, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Do đó, nếu không may bị rắn cắn, người dân cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bệnh nhân bị rắn hổ mang, rắn lục… tấn công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.