Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều băn khoăn về "lệnh cấm" dạy thêm - học thêm

Thanh Tàu| 07/09/2016 06:44

(HNM) - TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện cấm dạy thêm - học thêm (DT-HT) trong nhà trường. Dù vẫn còn nhiều ý kiến nhưng cơ quan chức năng cho biết vẫn tiếp tục giữ quan điểm và xử lý nghiêm hiệu trưởng các trường không thực hiện.


Còn nhiều trăn trở

Theo Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, từ ngày 22-7, Sở đã có công văn gửi tất cả các trường học trên địa bàn, nêu rõ từ năm học 2016-2017 sẽ chấm dứt việc tổ chức DT-HT trong tất cả các trường học theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và chấp thuận của Bộ GD-ĐT. Trước vấn đề này, suốt hơn một tháng trở lại đây, có nhiều luồng ý kiến khác nhau, không ít nhà giáo trăn trở.

Học sinh lót dạ trước khi học thêm tại một trung tâm văn hóa ở TP Hồ Chí Minh.



Ông Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc cấm DT-HT sẽ làm chất lượng đào tạo giảm sút, bởi với đề thi THPT quốc gia năm 2016, nếu học sinh của trường không học thêm thì giỏi lắm cũng chỉ làm được đến 6-7 điểm. Trong khi đó, theo lãnh đạo Trường THPT Lương Thế Vinh, nếu ngừng dạy thêm trong trường, cái được là tránh được tiêu cực như vẫn nói tới lâu nay. Thế nhưng cái chưa được đầu tiên là nếu không đề ra biện pháp khả thi nào thì với cách thi cử như hiện nay chất lượng giáo dục của thành phố sẽ đi xuống. Khi chương trình học và thi không đổi, tức là không thay đổi được cái gốc của vấn đề, thì nhu cầu học thêm vẫn còn. Cấm trong nhà trường học sinh sẽ ra ngoài học, học phí cao hơn, gây áp lực cho phụ huynh.

Ông Nguyễn Mạnh Trí - giảng viên Đại học Y Phạm Ngọc Thạch trăn trở: Việc không cho phép giáo viên dạy học sinh mà mình đang dạy chính khóa, trong bất cứ trường hợp nào và xử lý ở mức cao nhất (đuổi việc) nếu giáo viên vi phạm. Hình thức này có quá nặng và những giáo viên vi phạm có “tâm phục khẩu phục”.

Tuy nhiên cái "gốc" của vấn đề gây bức xúc đặc biệt với các thầy cô giáo, là đồng lương họ thấp, nên DT-HT trở thành nguồn thu nhập không nhỏ. Những giáo viên chỉ sống bằng lương, không DT-HT mà muốn trang trải thêm những chi phí gia đình, đã phải làm thêm rất nhiều việc khác nhau như buôn bán, làm bánh trái, thậm chí chạy cả xe ôm...

Kiên quyết xử lý DT-HT

Theo Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, hiện nay toàn thành phố có khoảng 100.000 học sinh tiểu học (chiếm 20%) học thêm văn hóa ngoài giờ chính khóa; hơn 190.000 học sinh trung học đang tham gia học thêm tại cơ sở dạy thêm trong nhà trường và 30.000 học sinh tham gia học thêm bên ngoài nhà trường. Thời gian qua, Sở đã cấp phép cho 82 đơn vị trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên dạy thêm trong nhà trường với 80.000 học sinh. Có 34 cá nhân và tổ chức được cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường. UBND các quận, huyện cũng cấp phép cho 106 đơn vị trường trung học cơ sở dạy thêm trong nhà trường với khoảng 110.000 học sinh; cấp phép cho 47 cá nhân và tổ chức dạy thêm ngoài trường với khoảng 10.000 học sinh. TP Hồ Chí Minh không cấp phép dạy thêm cho khối tiểu học.

Tại buổi làm việc mới đây với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân DT-HT có hai dạng: Thứ nhất, do nhu cầu chính đáng của phụ huynh học sinh để đáp ứng yêu cầu của thi cử và kiến thức, chiếm đa số. Thứ hai, là do biến tướng từ dạy thêm, xuất phát từ một số tiêu cực như o ép học sinh... chiếm khoảng 10%. Thời gian qua, Sở và các trường đã cố gắng để xử lý và hạn chế vấn đề tiêu cực này nhưng vẫn còn tồn tại. Mặt khác, theo bà Trần Phương Hoa - thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố, một số phụ huynh có tâm lý thấy học sinh trong lớp của con mình đi học thầy cô giáo chủ nhiệm đông nên sợ con không được “công bằng” trong đánh giá nhận xét, cũng phải cho con đi học thêm.

Từ các phân tích trên, ông Hiếu cho biết, Sở GD-ĐT sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố về ngưng dạy thêm trong trường và sẽ bằng cách tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh điều chỉnh Quyết định 21/2014/QĐ-UBND về quản lý DT-HT đúng theo quy phạm pháp luật. Trong thời gian chờ điều chỉnh, Sở không cho phép giáo viên dạy thêm cho học sinh mình đang dạy chính khóa; yêu cầu các đơn vị trường học, chấm dứt việc cho thuê mướn cơ sở của trường để dạy thêm.

Theo đó, hạn chót là đến ngày 30-9-2016, hiệu trưởng các trường học phải lập hồ sơ, đề nghị cơ quan quản lý thu hồi giấy phép DT-HT của nhà trường, gửi về Sở để ban hành quyết định giải thể. Các trung tâm ngoại ngữ, tin học hay các trung tâm bồi dưỡng văn hóa có sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường, hiệu trưởng các trường phải thông báo tới nhà đầu tư việc chấm dứt hoạt động, lập hồ sơ đề nghị giải thể gửi về Sở, hạn chót là ngày 31-1-2017. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những vướng mắc gì, các trường báo về Sở để cơ quan quản lý Ngành Giáo dục thành phố cùng giải quyết, trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của học sinh, phụ huynh, giáo viên. Sau khoảng thời gian nói trên, nếu đơn vị nào chưa thực hiện theo hướng dẫn, hiệu trưởng đơn vị đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều băn khoăn về "lệnh cấm" dạy thêm - học thêm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.