(HNM) - Công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những năm qua đã đạt những kết quả ấn tượng. Đời sống của đại bộ phận người dân Thủ đô được bảo đảm và nâng cao qua từng năm; đặc biệt đến nay thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí hiện hành.
Để đạt được những kết quả tích cực, cùng với triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, thành phố Hà Nội đã ban hành các chính sách đặc thù về giảm nghèo, bảo đảm an sinh, với các chỉ tiêu cao hơn. Trong đó, nổi bật là Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND ngày 8-7-2019 của HĐND thành phố về một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống. Tùy theo điều kiện, các địa phương của thành phố cũng áp dụng những chính sách đặc thù giúp người nghèo ổn định cuộc sống.
Đặc biệt, với chủ trương xuyên suốt là bảo đảm an sinh xã hội bền vững, Hà Nội đã hỗ trợ giảm nghèo thông qua các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn, vùng núi, tạo "giá đỡ" an sinh, trao sinh kế cho người nghèo. Nhờ vậy, không chỉ ở vùng đô thị, nông thôn có những thay đổi mang tính toàn diện, mà đời sống đồng bào vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của Thủ đô cũng đổi thay từng ngày.
Thành phố Hà Nội đang tiếp tục hướng đến những mục tiêu cao hơn trong công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND quy định chuẩn nghèo đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 (có hiệu lực từ ngày 16-9-2021). Với quy định mới này, công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Thủ đô sẽ có những yêu cầu mới cao hơn, nhiệm vụ đặt ra cũng nặng nề hơn. Vì thế, để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 thành phố không còn hộ nghèo và tái nghèo, các cấp, ngành và địa phương thuộc thành phố phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách đặc thù, những nguồn lực mà thành phố đang hỗ trợ, góp phần làm tốt hơn nữa công tác bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay.
Về lâu dài, cần triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân. Đồng thời quan tâm phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đa dạng, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu và khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là người nghèo, người yếu thế; chú trọng phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.
Cùng với các chính sách trợ giúp của Nhà nước, bản thân người nghèo có năng lực lao động cũng cần tận dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ để tạo sinh kế ổn định và từng bước nâng cao chất lượng đời sống. Bởi không có gì bền vững hơn là mỗi người nỗ lực tự mình vươn lên làm chủ cuộc sống.
Chung tay nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân phải là nhiệm vụ lớn của các cấp, ngành, địa phương và toàn dân trên địa bàn Thủ đô!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.