Chuyển đổi số

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số

HNMO 10/02/2024 - 13:27

Nhằm thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực toàn cầu, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Báo Hànộimới đã ghi nhận ý kiến đại diện một số cơ quan chức năng, doanh nghiệp, chuyên gia về vấn đề này.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội:
Ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế số

yk-tran-thi-phuong-lan.jpg

Đề án phát triển kinh tế số ngành Công Thương đến năm 2030 do Bộ Công Thương ban hành, xác định tầm nhìn xây dựng công nghiệp và thương mại trở thành hai lĩnh vực tiên phong ứng dụng hiệu quả các công nghệ số; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế số ngành Công Thương, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong ngành nhằm phát triển kinh tế số ngành Công Thương hiệu quả, bền vững.

Để thực hiện những mục tiêu trên, ngành Công Thương Hà Nội sẽ chú trọng tổ chức tập huấn, phổ cập kỹ năng số cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; nâng tỷ lệ khai thác, sử dụng các nền tảng số, hệ thống và hệ sinh thái chuyển đổi số phục vụ sản xuất, kinh doanh, phân phối; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam theo hướng chuyển đổi số doanh nghiệp và dịch vụ.

Sở Công Thương xây dựng đề án hệ sinh thái chuyển đổi số doanh nghiệp ngành để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh chuyển đổi số toàn diện, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lợi ích mang lại cho doanh nghiệp là quan trọng.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương sẽ tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử; chống hàng gian, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử trực tuyến; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; đào tạo kỹ năng, hỗ trợ người dân đưa sản phẩm dịch vụ của mình lên các sàn thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội:
Tạo lập không gian kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp

yk-nguyen-anh-duong.jpg

Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội đã, đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số.

Thời gian qua, Trung tâm đã có những bước đi và lộ trình phù hợp để đạt những kết quả quan trọng: Triển khai xây dựng và nâng cao hiệu quả của dữ liệu số, phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp phục vụ công tác xúc tiến trên địa bàn thành phố Hà Nội, kết nối, chia sẻ và thực hiện nguồn dữ liệu mở...

Cùng với đó, tinh thần chuyển đổi số đã được hiện thực hóa trong việc phát triển ứng dụng, dịch vụ. Cụ thể, Trung tâm đã ứng dụng hiệu quả chữ ký số chuyên dùng trên các phần mềm ứng dụng trong xử lý công việc trên môi trường mạng; xây dựng và cập nhật thường xuyên hệ thống thông tin dữ liệu trên các mạng xã hội; nâng cấp Cổng thông tin điện tử xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội, tạo ra một địa chỉ cung cấp thông tin cập nhật và tin cậy cho cá nhân, doanh nghiệp muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Hà Nội, đồng thời tạo lập không gian kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB):
Tích cực chuyển đổi số, giảm thủ tục hành chính

yk-nguyen-dinh-tung.jpg

Năm 2023, các mảng kinh doanh cốt lõi của OCB tiếp tục tăng trưởng tốt, hoạt động chuyển đổi số và bán lẻ có sự bứt phá mạnh mẽ. Đặc biệt, hàng loạt chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp liên tục được đưa ra thông qua hoạt động chuyển đổi số...

Bước sang năm 2024, bên cạnh việc thực hiện chiến lược kinh doanh theo kế hoạch 5 năm, OCB sẽ tích cực đầu tư cho các hoạt động chuyển đổi số, giảm thủ tục hành chính. Dự kiến trong quý I-2024, OCB sẽ giới thiệu 1 sản phẩm số độc đáo với thị trường. Ngoài ra, OCB đặt mục tiêu ra mắt 3 sản phẩm tự động hóa hoàn toàn trong quá trình cho vay. Mục tiêu của ngân hàng là duy trì sự tăng trưởng tài sản cũng như cải thiện chất lượng tài sản, gia tăng gấp đôi cơ sở khách hàng... Với nguồn lực, kế hoạch và chiến lược thiết thực, OCB kỳ vọng vào một bức tranh kinh doanh tươi sáng trong năm 2024.

Bà Trịnh Thị Ngân, cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội:
Chuyển đổi số liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp

yk-trang-thi-ngan.jpg

Chuyển đổi số giúp tạo sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo của người dân.

Với thương mại điện tử, người dân có thể bán hàng cho hàng triệu người trên toàn thế giới. Chuyển đổi số giúp thay đổi nhận thức của nhà lãnh đạo, những người có khả năng quyết định hướng đi và khả năng chuyển đổi thành công của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là khả năng cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên...

Tận dụng các nền tảng công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp hướng đến 5 mục đích cuối cùng của chuyển đổi số. Đó là tăng tốc độ thâm nhập thị trường; tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường; thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; tăng năng suất của nhân viên; mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh phát triển kinh tế số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.