(HNM) - Tại hồ Tây (khu vực phía đường Nhật Chiêu, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) hiện tồn tại cả chục chiếc du thuyền bị bỏ hoang, xuống cấp, làm mất mỹ quan nghiêm trọng. Không những thế, những chiếc du thuyền này còn trở thành nơi chứa rác, phế thải, thậm chí trở thành nơi tụ tập của nhiều đối tượng nghiện ma túy, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân khu vực...
Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại hồ Tây (khu vực phía đường Nhật Chiêu) cho thấy, hàng chục du thuyền, nhà hàng nổi trên hồ Tây được tập kết tại một góc, nay bị bỏ hoang. Theo thời gian, những nhà nổi, du thuyền này đã xuống cấp nghiêm trọng, trở thành những đống sắt vụn. Thuyền nào cũng bong tróc sơn, có nhiều rác thải, nước đọng, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường và rất mất mỹ quan đô thị. Một số người dân sống tại khu vực cho biết, đến tối, đêm, trong những chiếc du thuyền bỏ hoang này xuất hiện một số đối tượng tụ tập, có dấu hiệu nghiện ma túy. Trong thời gian thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19, việc tồn tại một địa điểm có các đối tượng tụ tập là điều rất nguy hiểm, gây khó khăn cho công tác kiểm soát lây lan dịch bệnh...
Được biết năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu tất cả du thuyền, nhà hàng nổi tạm dừng hoạt động kinh doanh tại khu vực Bến Thủy (đầu phố Nguyễn Đình Thi), tập kết về bến mới tại Đầm Bảy (gần đường Nhật Chiêu). Đây là chủ trương xuất phát từ kiến nghị của người dân về việc trả lại môi trường, cảnh quan tự nhiên cho khu vực mặt nước hồ Tây.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Trưởng ban Quản lý hồ Tây Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo Thông báo số 38 ngày 7-2-2017, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho quận Tây Hồ phối hợp cùng các sở, ban, ngành tập kết toàn bộ du thuyền về một chỗ, sau đó các cơ quan của thành phố có biện pháp di dời khỏi hồ Tây. Tuy nhiên, do chưa có giải pháp di dời cụ thể, chưa xác định được điểm đến, kinh phí di dời rất lớn nên đến nay các du thuyền, nhà nổi vẫn tập kết tại điểm chỉ định ban đầu là khu vực Đầm Bảy. Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, đơn vị và người dân rất mong muốn thành phố có những chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời để xử lý dứt điểm số tàu thuyền trên, trả lại cảnh quan thiên nhiên xanh, sạch, đẹp cho hồ nước lớn nhất của Thủ đô.
Ông Doãn Minh Đăng, một người dân sinh sống gần khu vực Đầm Bảy cho biết: “Tôi rất đồng tình với quyết định của thành phố về việc dừng các hoạt động tàu, thuyền trên khu vực hồ Tây nhằm bảo vệ môi trường nước tại khu vực. Tuy nhiên, cần có biện pháp quyết liệt hơn để xử lý dứt điểm bãi tập kết du thuyền hoang khổng lồ này, trả lại cảnh quan thiên nhiên hồ Tây và môi trường sống sạch, đẹp, cũng như bảo đảm an ninh trật tự cho người dân tại khu vực”.
Trước bức xúc của người dân, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Nguyễn Xuân Trường khẳng định đã nhận được phản ánh về việc một số đối tượng nghiện ngập tụ tập tại các du thuyền bỏ hoang để sử dụng ma túy và mang đến nhiều nguy cơ về an ninh trật tự trên địa bàn. Vì vậy, phường đã có biện pháp cắt hết các cầu nối xuống tàu, thuyền để tránh việc tụ tập hoạt động phi pháp, bảo đảm môi trường sống an toàn cho người dân.
Hồ Tây là một thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô, đồng thời là lá phổi xanh khổng lồ của thành phố. Vì vậy, việc để tồn tại bãi du thuyền cũ nát, hoang tàn không chỉ ảnh hưởng đến quang cảnh của hồ Tây mà còn gây ô nhiễm mặt nước, mất vệ sinh môi trường sống và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về an ninh trật tự. Đề nghị đơn vị chủ quản, các cơ quan chức năng, chính quyền sở tại sớm có biện pháp quyết liệt để giải quyết dứt điểm tình trạng này vì những con tàu kia đang tiếp tục hoen gỉ, xuống cấp theo thời gian. Đây cũng là mong mỏi rất lớn của nhiều người dân tại khu vực cũng như những người dân Thủ đô luôn dành sự yêu mến với hồ Tây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.