Các doanh nhân Nhật Bản ngày 21/9 bày tỏ lo ngại những căng thẳng leo thang giữa Tokyo và Bắc Kinh sau vụ va chạm tàu trên biển Hoa Đông cách đây nửa tháng có thể tác động xấu tới công việc kinh doanh của họ.
Người dân Trung Quốc biểu tình phản đối việc Nhật Bản giam giữ ngư dân Trung Quốc. (Nguồn: AP)
Một chủ hiệu điện dân dụng ở Nhật Bản cho biết cuộc tranh cãi trên có thể làm ảnh hưởng tới các chuyến du lịch mua sắm của khách Trung Quốc tới Nhật Bản trong dịp Quốc khánh Trung Quốc đầu tháng 10 tới.
Lo ngại trên hoàn toàn có cơ sở bởi trong một cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đã khuyến cáo du khách nước này "hãy chọn các địa điểm an toàn khi đi du lịch."
Trước đó, lượng tiêu dùng của du khách Trung Quốc tại Nhật Bản được ước tính sẽ tăng từ 120 tỷ yen trong năm 2008 lên tới 430 tỷ yen (khoảng 5 tỷ USD) vào năm 2012.
Trong khi đó, các công ty của Nhật Bản đang làm ăn tại Trung Quốc đã được cảnh báo về nguy cơ gia tăng những hoạt động chống người Nhật như hồi năm 2005.
Chuỗi siêu thị To-Yokado đã phải liên lạc gần như liên tục với chi nhánh của mình ở tỉnh Tứ Xuyên dù hiện chưa xảy ra vấn đề gì. Năm 2005, cơ sở này đã từng là một mục tiêu ném đá.
Một nguồn tin ở tập đoàn điện tử Mitsubishi cho biết công ty cũng khuyến cáo các nhân viên người Nhật tại Trung Quốc không nên ra đường một mình và tránh những hoạt động biểu tình và tụ điểm đông người.
Trong một diễn biến liên quan, sau khi có tin Bắc Kinh đình chỉ các cuộc tiếp xúc cấp cao với Tokyo, trong đó có việc hủy cuộc gặp giữa Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tại Mỹ tuần tới, một số quan chức Nhật Bản đã chọn cách hoãn những cuộc gặp dự kiến với các đối tác Trung Quốc.
Tuy nhiên, hầu hết các quan chức Chính phủ Nhật Bản, trong đó có Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, vẫn tiếp tục kêu gọi kiềm chế.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshito Sengoku ngày 21/9 cho biết Nhật Bản sẽ dùng nhiều kênh khác nhau để kêu gọi Trung Quốc tránh làm leo thang căng thẳng và giải quyết vụ việc dựa trên quan điểm củng cố quan hệ chiến lược, đôi bên cùng có lợi, vì hòa bình và thịnh vượng ở Đông Á và châu Á-Thái Bình Dương.
Theo ông Sengoku, Tokyo sẽ cố gắng thuyết phục Trung Quốc hiểu cách vận hành của hệ thống tư pháp Nhật Bản, song ông từ chối công bố các bằng chứng như cuốn băng ghi hình về vụ va chạm trên vì quá trình điều tra vẫn đang được tiến hành./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.