(HNM) - Hạ viện Nhật Bản vừa thông qua ngân sách 97.710 tỷ yen (khoảng 912 tỷ USD) cho tài khóa 2018. Đây là khoản ngân sách cao kỷ lục trong năm thứ 6 liên tiếp.
Kế hoạch ngân sách này đã được gửi đến Thượng viện để tranh luận thêm. Trong vòng 30 ngày, nếu Thượng viện không tiến hành bỏ phiếu, quyết nghị ngân sách trên sẽ tự động được ban hành.
Bệ phóng tên lửa tại trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Getty. |
Tháng 11-2017, khi chính thức tái đắc cử vị trí Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe cam kết sẽ giải quyết hai vấn đề mà ông gọi là "khủng hoảng quốc gia", đó là mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên và tình trạng dân số lão hóa. Vì thế, Thủ tướng S.Abe đã hiện thực hóa điều này bằng tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng 1,3% so với năm 2017. Dự kiến, Tokyo sẽ mua hàng loạt hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ và Na Uy, đồng thời triển khai hệ thống radar thế hệ mới có khả năng phát hiện các loại máy bay tàng hình hiện đại.
Việc Nhật Bản mạnh tay chi cho ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2018 được giới quan sát nhận định một phần do tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm đến Nhật Bản hồi tháng 11-2017. Khi đó, ông chủ Nhà Trắng kêu gọi Thủ tướng S.Abe mua thêm vũ khí của Mỹ nhằm tăng chủ động và đóng góp nhiều hơn vào hoạt động phòng vệ chung.
Trong bối cảnh mối quan hệ liên Triều đang có sự nồng ấm trở lại cũng khiến Nhật Bản lo ngại sẽ ảnh hưởng đến các nỗ lực của Chính phủ nước này và Mỹ trong việc tăng cường gây sức ép đối với Triều Tiên. Giữa tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tuyên bố, Tokyo không bao giờ thay đổi lập trường tăng cường gây sức ép để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Theo các nhà phân tích, việc này cho thấy, Nhật Bản vẫn luôn cảnh giác cao độ đối với Triều Tiên, cho rằng chấp nhận đối thoại dựa trên những điều khoản Triều Tiên đưa ra đồng nghĩa với việc chấp nhận Triều Tiên là một “cường quốc hạt nhân”. Đây là điều Nhật Bản không bao giờ mong muốn. Mối quan tâm lớn nhất của Tokyo hiện nay là củng cố mối quan hệ chân kiềng vững chắc của liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc để đối phó với những mối đe dọa và hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên. Do đó, ngoài gây sức ép về mặt ngoại giao và kinh tế, Tokyo nhanh chóng nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm đối phó với những nguy cơ.
Các nhà phân tích cho rằng, việc Nhật Bản tăng ngân sách dành cho quốc phòng xuất phát từ những áp lực bên ngoài. Tuy nhiên, Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản hiện giới hạn việc dùng vũ lực để tự vệ. Quân đội Nhật Bản chỉ được phép bắn hạ các tên lửa bay về phía lãnh thổ nước này hoặc các mảnh vỡ tên lửa rơi trên lãnh thổ. Do đó, việc Tokyo muốn sở hữu các loại vũ khí dùng cho mục đích “tấn công” cũng gây nhiều tranh cãi. Nếu không thận trọng, điều này sẽ tiềm ẩn và trở thành một cuộc “chạy đua vũ trang” tại Châu Á.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.