Theo Kyodo ngày 29-10, một lò phản ứng hạt nhân sẽ hoạt động trở lại lần đầu tiên ở Đông Bắc Nhật Bản, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân năm 2011.
Nhật Bản đã đóng cửa tất cả 54 lò phản ứng hạt nhân sau thảm họa động đất, sóng thần năm 2011. Kể từ đó, đã có 12 lò hoạt động trở lại nhưng không có lò nào ở các khu vực phía Đông và phía Bắc.
Lò số hai tại nhà máy Onagawa ở vùng Đông Bắc Miyagi, bên cạnh tỉnh Fukushima, sẽ trở thành lò phản ứng thứ 13 được tái hoạt động. Lò phản ứng này do Công ty Điện lực Tohoku vận hành, đã vượt qua kiểm tra an toàn vào tháng 2-2020 theo các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt hơn sau thảm họa kép năm 2011 và đã nhận được sự đồng ý của địa phương để tiếp tục hoạt động.
Công ty Điện lực Tohoku đã dành hơn một thập kỷ để hoàn thành công việc xây dựng nhằm tăng cường độ an toàn cho nhà máy, bao gồm xây dựng bức tường chắn thủy triều cao 29 mét và nâng cấp khả năng chống động đất của lò phản ứng.
Trong thảm họa động đất, sóng thần tháng 3-2011, cả ba lò phản ứng tại nhà máy Onagawa, nằm giữa thị trấn Onagawa và thành phố Ishinomaki, đều tự động ngừng hoạt động. Nhà máy điện hạt nhân, nằm gần nhất tâm chấn của trận động đất mạnh 9,0 độ richter, đã bị sóng thần cao khoảng 13 mét tấn công.
Trong khi tòa nhà chứa lò phản ứng số 2 bị ngập lụt sau trận sóng thần 13m trong thảm họa kép và mất tới 70% khả năng chống động đất, hệ thống làm mát khẩn cấp của nhà máy vẫn còn nguyên vẹn và không bị hư hỏng như nhà máy Fukushima Daiichi thuộc Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO). Tháng trước, Công ty Điện lực Tohoku đã nạp 560 cụm nhiên liệu vào lò phản ứng số 2 để chuẩn bị khởi động lại. Công ty này có kế hoạch bắt đầu phát điện và truyền tải điện vào đầu tháng 11 và vận hành thương mại vào khoảng tháng 12. Kế hoạch này cũng đánh dấu lần đầu tiên một lò phản ứng nước sôi - cùng loại được sử dụng tại nhà máy Fukushima Daiichi - hoạt động trở lại sau thảm họa kép năm 2011.
Nhật Bản đã quay trở lại với năng lượng hạt nhân để cắt giảm khí thải, giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ và đáp ứng nhu cầu năng lượng cho các trung tâm dữ liệu liên quan trí tuệ nhân tạo (AI).
"Năng lượng hạt nhân, cùng với năng lượng tái tạo, là một nguồn năng lượng khử carbon quan trọng và chính sách của chúng tôi là tận dụng tối đa nguồn năng lượng này với điều kiện đảm bảo an toàn", người phát ngôn chính phủ Yoshimasa Hayashi phát biểu trước báo giới ngày 29-10.
Theo kế hoạch hiện tại, Nhật Bản đặt mục tiêu điện hạt nhân sẽ chiếm 20-22% điện năng vào năm 2030, tăng từ mức dưới 10% hiện nay.
Tokyo muốn tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo từ khoảng 20% lên 36-38% và cắt giảm nhiên liệu hóa thạch xuống còn 41%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.