Điểm nóng

Nhật Bản cân nhắc thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế  đối với Nga

Thùy Dương 18/07/2023 - 15:30

Theo Kyodo ngày 18-7, Nhật Bản đang xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung đối với Nga sau cuộc xung đột Ukraine, trong khi các quốc gia phương Tây đã quyết định tăng cường lệnh cấm xuất khẩu.

Theo Kyodo ngày 18-7, Nhật Bản đang xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung đối với Nga sau cuộc xung đột Ukraine, trong khi các quốc gia phương Tây đã quyết định tăng cường lệnh cấm xuất khẩu.

Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno nêu rõ tại một cuộc họp báo rằng chính phủ sẽ thảo luận về các bước cụ thể mà Nhật Bản sẽ thực hiện "dựa trên các biện pháp trừng phạt của châu Âu và Mỹ", đồng thời cho biết, Tokyo vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Nhật Bản đã cấm xuất khẩu các loại xe hạng sang trị giá hơn 6 triệu yên (43.000 USD) sang Nga kể từ tháng 4 năm ngoái. Các chuyên gia dự đoán các biện pháp trừng phạt bổ sung theo kế hoạch có thể áp dụng đối với những loại xe đã qua sử dụng, giá rẻ hơn, đang có nhu cầu cao ở Nga.

oto.jpg
Nhật Bản dự kiến áp dụng các biện pháp  trừng phạt bổ sung với những xe ô tô đã qua sử dụng  đang có nhu cầu cao ở Nga.

Ông Matsuno cũng chỉ trích việc Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, cho rằng quyết định này là "cực kỳ đáng tiếc" và Nhật Bản sẽ theo dõi chặt chẽ tác động của nó đối với nguồn cung lương thực toàn cầu. Theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, Tokyo sẽ phối hợp với nhóm G7 và cộng đồng quốc tế để "thúc đẩy mạnh mẽ Nga quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen".

Cùng ngày, theo CNBC, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng Kiev vẫn sẵn sàng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc để tiếp tục Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, bất chấp sự rút lui của Nga. Thư ký báo chí Serhiy Nykyforov dẫn lời Tổng thống Volodymyr Zelensky nói: “Ngay cả khi không có Liên bang Nga, chúng tôi phải làm mọi thứ để có thể sử dụng hành lang Biển Đen này”.

Có những lo ngại rằng hành động của Mátxcơva có thể dẫn đến việc tàu Nga phong tỏa các cảng của Ukraine, như đã chứng kiến ​​trong những tháng đầu của cuộc xung đột, khiến giá lương thực toàn cầu tiếp tục leo thang. Quyết định của Nga hôm 17-7 bác bỏ việc gia hạn thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen đã bị Liên hợp quốc lên án với cảnh báo hàng triệu người nghèo nhất thế giới sẽ là người gánh chịu hậu quả.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield đã chỉ trích Nga vì đã rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. “Nga đã giáng một đòn nữa vào thế giới dễ bị tổn thương nhất", Thomas-Greenfield nói trong bài phát biểu ngắn trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. “Theo Chương trình Lương thực thế giới, hơn 345 triệu người đang phải chịu cảnh mất an ninh lương thực ở mức độ cao. Và chúng tôi biết chắc chắn rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy hàng triệu người khác đến bờ vực, đặc biệt là ở Trung Đông và châu Phi”, bà Thomas-Greenfield quan ngại.

Việc Mátxcơva rút khỏi thỏa thuận được đưa ra ngay sau khi máy bay không người lái nhắm vào cây cầu duy nhất nối đất liền của Nga với bán đảo Crimea  - một tuyến đường tiếp tế quan trọng cho các lực lượng Nga ở miền nam Ukraine. Điện Kremlin viện dẫn các nghĩa vụ chưa được thực hiện liên quan đến việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga là lý do khiến nước này rút khỏi thỏa thuận, một điều kiện mà họ đã lên tiếng trong nhiều tháng qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản cân nhắc thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế  đối với Nga

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.