Ủy ban châu Âu tuyên bố, các quy định đối với lĩnh vực kỹ thuật số không nằm trong khuôn khổ đàm phán thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen từng khẳng định, luật pháp của EU, bao gồm những quy định về kỹ thuật số, không phải là vấn đề để đàm phán.
Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Thomas Regnier cũng xác nhận, EU sẽ không điều chỉnh việc thực hiện luật của khối này dựa trên hành động từ một quốc gia thứ ba.
“Nếu bắt đầu triển khai, chúng tôi sẽ phải thực hiện điều tương tự với các quốc gia thứ ba”, Tân Hoa xã dẫn tuyên bố của ông Thomas Regnier, ngày 1-7.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu cũng khẳng định, EU vẫn cam kết đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ vào ngày 9-7, cũng là thời điểm lệnh tạm hoãn chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump hết hiệu lực.
Mỹ đã nhiều lần chỉ trích các quy định của EU đối với lĩnh vực kỹ thuật số, bao gồm Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA). Washington đánh giá hai đạo luật này không công bằng và đã thúc giục EU nới lỏng chính sách đối với các công ty công nghệ của Mỹ.
Hồi tháng 2, Nhà Trắng cũng từng cảnh báo sẽ cân nhắc biện pháp trả đũa thích hợp nếu các cơ quan quản lý của EU nhắm mục tiêu vào những công ty công nghệ của Mỹ dựa theo DMA hoặc DSA.
Hai tháng sau tuyên bố của Nhà Trắng, Ủy ban châu Âu đã phát hiện các công ty Apple và Meta vi phạm DMA, trước khi đưa ra mức phạt lớn.
Apple phải chịu khoản phạt 500 triệu euro vì ngăn cản các nhà phát triển ứng dụng thông báo cho người dùng về những tùy chọn mua hàng thay thế ngoài App Store.
Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, cũng bị phạt 200 triệu euro vì yêu cầu người dùng EU cho phép sử dụng dữ liệu cá nhân với mục đích quảng cáo, hoặc trả phí đăng ký hàng tháng để sử dụng dịch vụ không quảng cáo.
Ủy viên châu Âu về Thương mại và An ninh kinh tế Maros Sefcovic cho biết, ông sẽ tới Washington ngày 1-7 để tiếp tục nỗ lực hướng tới một thỏa thuận thương mại giữa EU và Mỹ.
EU sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận thương mại với Mỹ, bao gồm mức thuế quan 10% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của khối, đồng thời mong muốn Mỹ cam kết giảm thuế các mặt hàng chủ lực như dược phẩm, rượu, chất bán dẫn và máy bay thương mại.
Khối này cũng đang đề xuất Mỹ áp dụng cơ chế hạn ngạch và miễn trừ nhằm mục đích giảm bớt những tác động của mức thuế nhập khẩu 25% mà Washington đang áp đặt đối với lĩnh vực ô tô, cũng như mức thuế 50% đối với thép và nhôm.
(Theo Tân Hoa xã)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.