Nhập siêu tháng 5 tới 1,7 tỷ USD * Tốc độ nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng nhanh (HNM) - Bức tranh hoạt động ngoại thương 5 tháng đầu năm có nhiều nét khả quan trong tăng trưởng xuất khẩu. Nhưng tình trạng nhập siêu tăng đã gây lo ngại cho không chỉ các nhà kinh tế.
Ô tô thuộc nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu. Ảnh: Như Ý
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nhận định: Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đã có sự bứt phá, đạt tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu thụ hàng trên thế giới đang phục hồi và diễn ra khá đồng đều ở các khu vực. Đồng thời, giá nhiều loại hàng tăng trên thị trường thế giới nên hàng xuất khẩu của ta được giá hơn. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đã xuất hiện sự biến đổi đáng mừng là tốc độ tăng trưởng trong xuất khẩu của khối doanh nghiệp (DN) trong nước tăng khá nhanh, đạt mức 31,2% và tiến sát tốc độ tăng trưởng của DN có vốn đầu tư nước ngoài 34,1%. Theo Bộ Công thương, những chính sách của Chính phủ, nhất là sự nỗ lực, vượt khó của cộng đồng DN đã mang lại kết quả tích cực trong xuất khẩu, giúp nền kinh tế duy trì đầu ra cho sản phẩm/hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ để tham gia cân đối, phục vụ các nhu cầu khác...
Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm đã đạt 41,3 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ. Như vậy, mức nhập siêu 5 tháng đạt khoảng 6,5 tỷ USD và bằng 18,8% kim ngạch xuất khẩu. Thực tế cho thấy, kim ngạch nhập khẩu đang có dấu hiệu tăng, trái với mong muốn của các cơ quan quản lý trước mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Mức nhập siêu tháng 5 đạt tới 1,7 tỷ USD là mức cao nhất trong vòng 17 tháng qua. Tuy nhiên, nếu phân tích về cơ cấu vẫn có thể thấy một mức độ "khá lành mạnh" bởi riêng nhóm hàng cần nhập khẩu gồm nguyên, nhiên, phụ liệu là đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu đã đạt 35,7 tỷ USD, tương đương 83% tổng kim ngạch. Song vẫn còn tình trạng nhập hàng thuộc nhóm cần hạn chế, với kim ngạch 2,46 tỷ USD-tuy không quá lớn, nhưng làm gia tăng mức nhập siêu. Tỷ trọng nhập siêu vượt ngưỡng chỉ tiêu đề ra đang trở thành mối lo. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu tình hình nhập siêu không được khống chế, hoặc tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm sẽ bất lợi cho khả năng thanh toán năm 2011.
Phân tích sâu hơn còn thấy hiện tượng mới và đáng lo ngại là tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu của DN đầu tư nước ngoài đang tăng nhanh hơn của DN trong nước, với mức tương tự là 32,5% và 27,4%. Nếu không tính phần liên quan đến dầu thô, riêng khối DN nước ngoài đã nhập siêu 1,76 tỷ USD. Đây là hiện tượng trái thông lệ bởi khối này vẫn xuất siêu là chủ yếu.
Để đối phó với những diễn biến phức tạp trên, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ Công thương sẽ tăng cường tuyên truyền nội dung các hiệp định khu vực mậu dịch tự do, trong đó làm rõ những lợi thế về thuế quan đối với những nhóm hàng mà DN Việt Nam có thể thụ hưởng để khai thác, đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, các DN cần quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Chính phủ, giảm thiểu nhập khẩu những mặt hàng không khuyến khích. Cần có biện pháp theo dõi, làm rõ nguyên nhân vì sao DN có vốn nước ngoài gia tăng nhập khẩu thay vì chú trọng vào sản xuất như thời gian trước nhằm từng bước làm lành mạnh hóa quan hệ xuất - nhập khẩu.
Khối DN cũng đưa ra một số ý kiến đáng lưu ý. Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề xuất nên sớm thành lập quỹ hỗ trợ xuất khẩu cá tra để có thể trợ giúp DN ngành này chủ động trong hoạt động, hướng tới sự bền vững. Đại diện ngành cà phê, ca cao mong cấp quản lý, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ, phòng tránh tình trạng thương gia nước ngoài đến tận vùng nguyên liệu thu mua, cạnh tranh gay gắt với DN nội, đồng thời kêu gọi Nhà nước, ngân hàng đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN một cách kịp thời...
Kết quả xuất khẩu ấn tượng Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu cả nước tháng 5 đạt 7,5 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch 5 tháng lên 34,75 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2010. Đây là kết quả tốt trong bối cảnh nền kinh tế phải đối phó với hàng loạt khó khăn. Đáng chú ý, nhóm hàng nông, thủy sản đã đạt kim ngạch 8,2 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ, với một số mặt hàng như cà phê, gạo, cao su, các loại thủy sản... tăng trưởng mạnh trên các thị trường quan trọng là châu Mỹ, EU, châu Á. Nhóm hàng công nghiệp chế biến đóng góp hơn 22 tỷ USD, tăng 27,5% và thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ của các ngành sản xuất, chế biến, chế tạo, nâng cao tỷ trọng hàng công nghiệp trong tổng kim ngạch xuất khẩu. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.