(HNM) - Sáng 26-9, chị Quỳnh hẹn bạn gái đến khám định kỳ tại phòng khám Nhà hộ sinh Hoàn Kiếm (thường gọi là Nhà hộ sinh A), ở 36 phố Ngô Quyền. Đúng hẹn, 8h30 chị Quỳnh có mặt tại phòng khám mà chưa thấy bạn đâu. Ngồi chờ 10 phút, chị sốt ruột điện thoại cho bạn. Đầu dây bên kia, bạn chị cũng tỏ vẻ nóng ruột:
- Tớ đến đây 15 phút rồi. Hôm qua cậu bảo đây là phòng khám của Trung tâm Y tế mà sao đắt thế.
- Thế cậu đang ở đâu?
- Đang ở trong phòng khám của Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm, 36 Ngô Quyền chứ còn ở đâu nữa.
- Tớ cũng đang ở phòng khám đó mà. Hay chúng mình cùng đi ra sân xem sao.
Chị Quỳnh đi ra sân thì thấy bạn mình bước ra từ một cái cửa ngay bên cạnh. Nhìn lại hai cánh cửa, thấy bên trên đều có biển đề: "Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm", nhưng một bên có thêm tấm biển phụ "Phòng khám tổng hợp nhà hộ sinh A", một bên có dòng chữ nhỏ "Phòng khám phụ khoa dịch vụ chất lượng cao". Bạn chị Quỳnh lắc đầu:
- Chỉ vì không để ý dòng chữ nhỏ này mà mình vào nhầm cửa. Thảo nào họ báo giá khám phụ khoa lên tới 1 triệu đồng.
- Lạ nhỉ, nhiều năm nay tớ vẫn khám định kỳ ở đây, nhưng chưa từng gặp trường hợp "dịch vụ chất lượng cao" với giá trên trời kiểu này - chị Quỳnh băn khoăn.
Tìm hiểu thêm, chị Quỳnh được biết đây là mô hình xã hội hóa y tế của Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm. Trung tâm đã cho một doanh nghiệp mở phòng khám trong khuôn viên Nhà hộ sinh A trước đây. Phòng khám xã hội hóa này được ưu tiên đặt gần cổng lớn, đúng vị trí phòng khám cũ của Nhà hộ sinh A, sử dụng sổ khám bệnh, giấy tờ ghi "Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm - Nhà hộ sinh A". Trong khi đó phòng khám của Nhà hộ sinh A bị đẩy lùi vào bên trong, sát với cổng phụ...
Xã hội hóa y tế nhằm cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao là điều cần thiết, song sự nhập nhằng về vị trí, biển hiệu, tên gọi... quả là điều không nên chút nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.