(HNM) - Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, hơn 4 triệu tấn phế liệu nhập khẩu đã về Việt Nam...
Đây là thông tin được nêu tại cuộc họp báo chuyên đề về “Công tác quản lý phế liệu nhập khẩu” do Tổng cục Hải quan tổ chức chiều 30-7.
Lực lượng Hải quan phát hiện và xử lý các trường hợp nhập rác thải. |
Hải quan "kêu khó"
Theo Tổng cục Hải quan, số lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam thời gian qua tăng nhanh. Cụ thể, năm 2017, lượng phế liệu nhập về ở mức 6,5 triệu tấn. Nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018 đã có hơn 4 triệu tấn phế liệu cập bến nước ta. Trong số đó, nhiều lô hàng đã được cơ quan Hải quan phát hiện không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Thế nhưng, việc xử lý sai phạm trong lĩnh vực này không hề đơn giản.
Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Khánh Quang cho biết, sau khi phát hiện những dấu hiệu sai phạm, cơ quan Hải quan đã tổ chức điều tra. Song nhiều doanh nghiệp có thái độ né tránh, bất hợp tác, không đến làm thủ tục hải quan dẫn đến tình trạng có một lượng lớn phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam. Thậm chí, có nhiều thời điểm, các kho bãi không còn đủ chỗ để chứa hàng mẫu kiểm tra.
Ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, quan điểm của Tổng cục Hải quan kiên quyết cấm nhập các lô hàng không bảo đảm quy định về vệ sinh môi trường cũng như lợi dụng chính sách nhập khẩu phế liệu để thực hiện các hành vi sai phạm, nhưng việc phát hiện gặp không ít khó khăn. Với những mặt hàng đặc thù theo quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phải lấy mẫu kiểm tra thực tế tại 4-5 điểm. Song nếu thực hiện đúng theo quy định thì các cảng không đủ chỗ lấy mẫu. Bởi khi đã dỡ hàng ra để kiểm tra, doanh nghiệp rất khó xếp lại hàng vào container. Trong khi đó, cơ quan Hải quan rất khó xác định doanh nghiệp nào đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bởi số liệu về các doanh nghiệp đủ điều kiện hiện chưa được cập nhật tại Cổng thông tin một cửa quốc gia để cơ quan Hải quan có cơ sở đối chiếu.
Cách nào siết chặt quản lý?
Trước diễn biến phức tạp của hoạt động nhập khẩu phế liệu, ngày 5-6-2018, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, trong đó có việc không cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi gian lận, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật, không để Việt Nam trở thành "bãi rác" của thế giới.
Tại cuộc họp báo chiều 30-7, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan Hải quan đã thực hiện nhiều biện pháp trong đó có biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng hóa vẫn còn trên tàu. Cụ thể, sẽ thông báo cho các hãng tàu vận chuyển hàng hóa, doanh nghiệp kinh doanh cảng về việc không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa có thông tin trên bản lược khai hàng hóa (manifest) là chất thải. Cũng với đó, yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và xử lý theo quy định.
Đối với hàng hóa là phế liệu nhưng người nhận hàng thể hiện trên bản lược khai hàng hóa không có tên trong danh sách doanh nghiệp đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thì thông báo cho các hãng tàu vận chuyển hàng hóa, doanh nghiệp kinh doanh cảng về việc không được phép dỡ lô hàng phế liệu đó xuống cảng. Đồng thời, yêu cầu hãng tàu phải vận chuyển hàng này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Trường hợp hàng hóa trên tàu có thông tin khai báo trên bản lược khai hàng hóa là hàng đã qua sử dụng, không khai báo là phế liệu nhưng có đặc trưng của phế liệu và người nhập khẩu không thuộc danh sách các doanh nghiệp đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực thì đưa vào diện kiểm tra, kiểm soát trọng điểm.
Đối với trường hợp phế liệu nhập khẩu đã đăng ký tờ khai làm thủ tục hải quan, cơ quan Hải quan tiến hành lấy mẫu, kiểm tra thực tế 100% các lô hàng nhập khẩu để đánh giá việc chấp hành quy định về pháp luật hải quan và pháp luật bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cũng đang chủ trì triển khai kế hoạch “Điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu” trong thời gian từ 1-2016 đến 5-2018.
Theo Tổng cục Hải quan, phế liệu tồn đọng tại các cảng biển thời gian qua liên tục tăng. Cụ thể, tại cảng Cát Lái - TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 25-7-2018 là 3.579 container. Tại cảng Hải Phòng tính đến ngày 5-7-2018 đang tồn 1.485 container. Trong đó 1.342 container là phế liệu nhựa, tăng thêm 228 container so với trước đó 1 tháng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.