(HNMO) - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết sẽ ưu tiên nhập khẩu thịt lợn từ các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Giá thịt lợn đã “dịu” xuống
Chiều 2-12, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến thông tin, đàn lợn bị thiêu hủy vì bệnh Dịch tả lợn châu Phi từ tháng 6-2019 đến nay đã giảm nhanh. Cho đến hết ngày 30-11, trong cả nước chỉ có 152 con bị tiêu hủy mỗi ngày, giảm 88% so với cao điểm vào tháng 5-2019.
Ngoài ra, đến nay, 14 tỉnh có trên 85% xã đã công bố hết dịch sau 30 ngày, là điều kiện tốt để tái đàn, cung cấp thịt lợn cho thị trường. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã tổ chức 6 hội nghị hướng dẫn tái đàn, khuyến khích dùng chế phẩm sinh học nâng cao đề kháng của đàn lợn. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, tổng đàn lợn hiện nay còn 25 triệu con, bảo đảm cho các địa phương có thể tái đàn bằng giống chất lượng cao.
Ngoài ra, tổng sản lượng thực phẩm cung cấp thời gian qua tăng 390.000 tấn đã một phần bù đắp cho thiếu hụt thịt lợn.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, giá thịt lợn hiện đã “dịu” xuống. Trong cuộc họp gần đây với Chính phủ, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn khẳng định chỉ bán thịt lợn với giá 66.000 đến 70.000 đồng mỗi kg.
“Theo số liệu tính toán của Tổng cục Thống kê, thời gian tới, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn. Chính phủ đã chỉ đạo nhập nguồn từ các đối tác song phương, bảo đảm cân đối lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng”, ông Phùng Đức Tiến nêu.
Thông tin thêm về nhập khẩu thịt lợn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ luôn theo sát diễn biến nhằm tham mưu chỉ đạo giúp bình ổn thị trường. Theo ông Hải, đây là vấn đề cần cẩn trọng, cảnh giác vì ngay cả sau Tết Nguyên đán, việc thiếu hụt thịt vẫn sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân, đến chỉ số giá tiêu dùng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương tính toán cụ thể số lượng nhập khẩu, ưu tiên từ các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong và sau Tết.
Sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý quản lý, vận hành condotel
Cũng tại họp báo Chính phủ, trước nhiều câu hỏi của báo giới về quản lý loại hình condotel đang “nóng” hiện nay, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, loại hình căn hộ du lịch (condotel) bắt đầu phát triển ở Việt Nam từ năm 2015 và đạt cao trào vào 2 năm sau đó.
Tuy nhiên, đến năm 2018 và 2019, do sự điều tiết của thị trường nên có sự giảm mạnh cả về số dự án và số giao dịch các căn hộ. Hiện trong cả nước, tổng căn hộ condotel tích lũy ước chừng khoảng trên 30.000 căn.
“Đây là sự phát triển của thị trường khi hình thành căn hộ như căn hộ khách sạn vừa để nghỉ dưỡng, phục vụ du lịch nhưng đặc điểm mỗi căn hộ thuộc sở hữu của một chủ thể trong một tổng thể cả khách sạn, khu nghỉ dưỡng của nhà đầu tư”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu.
Tuy nhiên, ông Hùng đã chỉ ra loại hình này đang có nhiều vướng mắc về hành lang pháp lý. Cụ thể, Luật Du lịch có quy định các loại hình cơ sở lưu trú du lịch gồm biệt thự du lịch, căn hộ du lịch và nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Còn các luật có liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai chưa có định danh với loại hình căn hộ này.
Ngoài ra, đến nay vẫn chưa triển khai cấp quyền sở hữu sử dụng condotel cũng như chưa rõ các quy định về vận hành, quản lý loại hình căn hộ này... Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện sự cam kết của nhà đầu tư và thứ cấp với lợi nhuận cao dẫn đến nhà đầu tư không có khả năng chi trả.
Trước tình hình này, Chính phủ và các bộ, ngành có nhiều giải pháp. Từ năm 2017, Bộ Xây dựng cùng các tỉnh, thành phố có báo cáo về sự phát triển của loại hình căn hộ du lịch; đề nghị quản lý và siết chặt.
Năm 2018, Bộ Xây dựng có văn bản gửi 63 tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương có nhiều codotel lưu ý việc thẩm định chủ trương đầu tư, vấn đề hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tránh biến condotel thành nhà ở.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có các văn bản chỉ đạo, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến condotel cũng như ban hành quy chế vận hành condotel; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế quản lý, kinh doanh; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành về chế độ sử dụng đất và cấp quyền sử dụng với condotel… Tất cả những quy định này phải xong trong tháng 12-2019 để tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý về condotel...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.