Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân rộng điển hình trong liên kết chuỗi

Minh Phú| 29/11/2021 07:59

(HNM) - Đến nay Hà Nội đã có 141 mô hình liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội, khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, mô hình liên kết chuỗi có ý nghĩa hết sức quan trọng trong ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm, rất cần nhân rộng điển hình…

Chăn nuôi lợn sinh học theo chuỗi tại xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ).

Với hướng sản xuất hữu cơ kết hợp với xây dựng các chuỗi liên kết trong bao tiêu sản phẩm, Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh thực phẩm an toàn Vinh Hà (xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên) đã có thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn Vinh Hà Nguyễn Thị Mai cho biết, công ty hiện có quy mô 10ha trồng các loại rau theo mùa và các loại quả như: Bưởi, ổi, mít, nhãn, đu đủ. Sản phẩm cung cấp ổn định cho hàng trăm hộ gia đình tại các khu chung cư, hơn 20 bếp ăn trường học trong, ngoài địa phương và nhiều hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố... Doanh thu của công ty đạt khoảng 8 tỷ/năm, tạo việc làm cho hơn 50 lao động địa phương.

Đó là một trong số những chuỗi liên kết phát huy hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn thành phố. Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay thành phố đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết, trong đó có 59 chuỗi có nguồn gốc động vật, 82 chuỗi có nguồn gốc thực vật. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận định: Không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế 15-20%, các chuỗi liên kết còn góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động. Người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ việc nông sản có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn chất lượng.

Mặc dù đã xây dựng được số lượng chuỗi liên kết dẫn đầu cả nước, tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của nông nghiệp Thủ đô. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa có nhãn mác, thương hiệu, không tiêu thụ được ở các kênh phân phối lớn. Một số chuỗi liên kết trên địa bàn chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ theo hình thức “thuận mua, vừa bán” nên dễ xảy ra tình trạng đứt gãy. Nhiều đơn vị đã xây dựng được chuỗi nhưng vẫn đứng trước khó khăn như khó tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, thiếu vốn để mở rộng sản xuất.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, thành phố hiện còn 24 thị xã, huyện, quận có sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội hiện nay có khoảng 188,6 nghìn héc ta, chiếm 56,34% tổng diện tích đất tự nhiên. Mặt khác, thành phố Hà Nội với số dân khoảng 10,33 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc nên nhu cầu thực phẩm nông, lâm, thủy sản rất lớn. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc hình thành các chuỗi liên kết là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng không chỉ duy trì ổn định về mặt sản lượng cung ứng mà còn bảo đảm chất lượng nông sản đến người tiêu dùng...

Nhân rộng mô hình liên kết chuỗi, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đối với sản phẩm chủ lực của thành phố. Các chủ thể tham gia liên kết chuỗi được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ; các chuỗi liên kết được ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng đang tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi các mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyên canh tập trung, từ đó hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân rộng điển hình trong liên kết chuỗi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.