Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ khó cho liên kết chuỗi nông sản

Vũ Vân| 05/04/2023 06:50

(HNM) - Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại, giúp nâng cao lợi ích cho nông dân. Tuy nhiên, việc liên kết chuỗi nông sản vẫn còn gặp không ít khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ, nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất, tránh tình trạng được mùa, mất giá.

Giới thiệu sản phẩm gạo thơm Bối Khê của Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai). Ảnh: Ánh Ngọc

Còn nhiều khó khăn, bất cập

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào cho biết, hợp tác xã có hơn 35ha sản xuất rau an toàn, trong đó có khoảng 33ha đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, hợp tác xã đã liên kết với hàng chục đơn vị cung cấp rau an toàn khác, mỗi ngày có thể cung ứng từ 12 đến 15 tấn rau các loại. Do thực hiện liên kết với doanh nghiệp, nên sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã tiêu thụ ổn định, cho thu nhập tăng hơn 15% so với sản xuất rau thông thường. Từ đó, hợp tác xã có kế hoạch sản xuất, tuyên truyền, vận động các thành viên trồng rau theo nhu cầu của thị trường, hạn chế tình trạng được mùa, mất giá.

Mặc dù việc liên kết chuỗi mang lại hiệu quả lớn, nhưng thực tế triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ đánh giá, mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn lỏng lẻo. Quy mô liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhỏ lẻ, phân tán, không tập trung. Ngoài ra, sản phẩm sạch, an toàn do giá thành cao nên khó cạnh tranh được về giá so với sản phẩm truyền thống, gây khó khăn cho các chuỗi duy trì sản xuất, kinh doanh.

Còn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định, các chuỗi liên kết sản xuất mới bước đầu hình thành, nên sự liên kết chưa chặt chẽ, quá trình thực hiện còn lúng túng. Hợp đồng liên kết có nhiều bất cập, chưa có chế tài xử lý khi nông dân vi phạm hợp đồng liên kết và bán sản phẩm ra ngoài khi giá cao hơn giá trong hợp đồng. Cùng với đó, giá cả nông sản thời gian gần đây có xu hướng giảm, gây khó khăn cho các hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất và mở rộng quy mô liên kết chuỗi.

Cần có chính sách hỗ trợ

Để phát huy hiệu quả của các chuỗi liên kết nông sản, Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên cho rằng, các ngành chức năng cần hỗ trợ các hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi mở lớp tập huấn ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất. Mặt khác, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi sản xuất, sơ chế và tiêu thụ nông sản an toàn, đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các hợp tác xã, hộ nông dân. Đồng thời, các ngành hỗ trợ các hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm cho các chuỗi với giá thu mua hợp lý, nhằm động viên, khuyến khích các hộ nông dân tiếp tục tham gia sản xuất để cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, Nhà nước cần làm tốt vai trò trọng tài, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, bình đẳng với chi phí thấp; khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Các sở, ngành và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh quảng bá nông sản an toàn và đặc trưng của từng vùng đến người tiêu dùng. Còn người sản xuất phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sản xuất, tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi thực phẩm an toàn theo hướng khép kín từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm; tập trung phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung đánh giá, dự báo thị trường, thường xuyên cập nhật, nắm chắc thông tin về cung - cầu nông sản. Đây là cơ sở để giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nghiên cứu, điều chỉnh hướng sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chủ động tìm đầu ra cho nông sản và là cơ sở thiết lập hợp đồng dài hạn giữa người sản xuất và người chế biến, tiêu thụ cũng như các nhà phân phối.

“Kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân, hợp tác xã trong việc thu mua, phân phối, tiêu thụ sản phẩm đầu ra thông qua hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp với hợp tác xã sẽ góp phần xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững, khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy làm” và bị tư thương ép giá khi vào vụ thu hoạch”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho liên kết chuỗi nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.