Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhạc Việt - Chênh vênh trong nghịch lý

An Nhi| 01/09/2013 06:03

LTS: Ngày Âm nhạc Việt Nam (3-9) đang đến và được kỳ vọng là ngày hội âm nhạc của cả người sáng tác, biểu diễn, lý luận, đào tạo và công chúng yêu nhạc chân chính cả nước.

Bài 1: Những giá trị bị đảo lộn

Chuyện nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, người có 60 năm cống hiến với những trăn trở về nghề, lên tiếng nhận định về một số ca sĩ đang ăn khách đã tạo không ít sóng gió trong dư luận những ngày qua. Đã quá lâu những ảo tưởng trong âm nhạc tồn tại và lấn át những giá trị đích thực. Vậy nhạc Việt đang ở đâu?

Để có một nền âm nhạc lành mạnh, chất lượng cao cần quan tâm phát triển các dòng nhạc chính thống. Ảnh: Nguyệt Ánh


Chuộng giá trị ảo

Sau khi thẳng thắn nhận xét về các giọng ca nổi tiếng, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã nhấn lại rằng: "Đấy là nhận định khi họ hát nhạc của tôi chứ không phải tất cả các nhạc khác". Mấy ngày đầu, người hâm mộ của những ca sĩ bị chê ra sức phản đối, thậm chí ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã mấy lần "đáp trả" một cách không-thể-thiếu-đạo-đức-nghề-nghiệp hơn. Mấy ngày qua, hàng loạt nhạc sĩ, ca sĩ có chuyên môn đã lên tiếng ủng hộ và đánh giá đúng mực về những phê bình thẳng thắn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Các nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam), Cát Vận, Dương Thụ, Tuấn Khanh đến ca sĩ Ánh Tuyết... đều đã lên tiếng. Chúng ta chưa bàn đến chuyện đúng sai trong nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, rõ là rất trăn trở với sự phát triển của âm nhạc Việt Nam. Nhưng việc lên tiếng của người có chuyên môn ngày càng mạnh mẽ hơn về sự việc trên cũng đủ để công chúng chú ý, nhìn nhận lại rằng chúng ta đang sống trong nền âm nhạc có giá trị thế nào? Đang tung hô những ai? Liệu họ có xứng đáng?

Ai cũng biết, thời điểm này, bất cứ tụ điểm giải trí nào xuất hiện Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm, Tuấn Hưng ca hát… là cháy vé. Họ chạy show không ngừng nghỉ từ Nam ra Bắc, thậm chí sang tận Châu Âu, Châu Mỹ những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống và đương nhiên kiếm bộn tiền. Còn khán giả, thực tế trong nhiều đêm diễn mà người viết chứng kiến, họ không nghe ca sĩ mình yêu mến hát gì, có cảm xúc hay không, có đầu tư mới mẻ gì cho ca khúc không, mà chỉ tập trung hò hét, tung hô người hát trong ồn ào, hỗn loạn. Một thực tế còn đáng phẫn nộ hơn khi có không ít giọng ca không qua trường lớp, không có năng khiếu, bỗng dưng trở thành ca sĩ nổi danh và có tiền thù lao ngày càng cao nhờ "công nghệ lăng xê" hoàn hảo. Khán giả thừa biết giọng hát họ dở đến mức nào, nhưng những đầu tư từ váy áo, vũ công cùng sân khấu khổng lồ đã đẩy họ lên chỗ đứng quá lớn so với trình độ. Về khía cạnh khác, nhiều giải thưởng âm nhạc gần đây được trao cho "ông hoàng", "bà hoàng", "công chúa", "hoàng tử" nhạc Việt bằng hình thức tin nhắn, qua mạng càng giúp họ có cơ hội nổi tiếng, đắt show hơn. Bởi vậy, giá trị phần nhiều dựa trên cảm tính của "đám đông".

Mặt khác, phải đề cập đến việc những ca sĩ luôn tưởng mình là “đỉnh cao âm nhạc Việt Nam" cũng một phần do lỗi của một bộ phận không nhỏ giới truyền thông. Lực lượng này đã giúp họ được biết đến rộng rãi, được "chạm" tới khán giả với tần suất xuất hiện khá cao trên các phương tiện truyền thông. Đầu tiên phải kể đến những chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc được phát sóng vào giờ "vàng", thời điểm khán giả rảnh rang nhất để xem: "Giọng hát Việt", "Vietnam Idol", "Tôi là người chiến thắng"... Các thí sinh tham gia được khen ngợi hết lời dù hát rõ chênh, phô, lạc nhịp; các giám khảo nổi tiếng tự tung hô nhau nhiệt tình. Rồi những lời phong tặng thoải mái của MC sau mỗi phần trình diễn rất bình thường không chỉ "đẩy" ca sĩ, nhạc sĩ, thí sinh đến tận "mây xanh" mà còn dần "nhồi" vào đầu khán giả, khiến họ cũng nhầm tưởng đó là đỉnh cao nghệ thuật. Cũng dễ dàng thấy, tràn lan trên các trang báo từ điện tử đến báo in đều đã đặt những ca sĩ này, nhạc sĩ nọ vào trọng tâm đưa tin. Thậm chí, họ viết cả những điều không liên quan gì đến chuyên môn nghề nghiệp như việc cô ấy, anh ấy mặc gì, con cái, gia đình ra sao, đi đâu, ăn món gì ngon, nhà giàu cỡ nào… Vô tình, khán giả chỉ biết về một giới âm nhạc như thế, rồi nghĩ họ hát hay, sáng tác giỏi thì mới có nhiều tiền. Và mặc nhiên ngưỡng mộ!

Giá trị thật sống âm thầm

Không chỉ người trong nghề, rất nhiều người biết chút ít kiến thức về âm nhạc đều hiểu, người ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công chuẩn mực, có đủ khả năng cống hiến nghệ thuật thì ngoài tài năng phải trau dồi, rèn luyện cả chục năm trong môi trường đào tạo khắt khe, cộng với sự lao động và ý thức nghiêm túc liên tục trong quá trình làm nghề. Những ai đã từng được đào tạo như thế đều trân trọng và luôn hướng tới việc cống hiến cho nghệ thuật đích thực, tức là đem đến cho khán giả những tác phẩm có tính nghệ thuật cao, có tác dụng tích cực với người nghe. Nhưng tiếc thay, những lao động nghệ thuật đích thực ấy đang sống âm thầm và bất lực trước sự thịnh trị của âm nhạc giải trí, âm nhạc thị trường.

Như chương trình hòa nhạc giao hưởng, thính phòng "Điều còn mãi" miễn phí vào chiều 2-9 hằng năm, phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia cho khán giả thưởng thức do nhạc sĩ Dương Thụ làm, ít ai biết ông và những người tổ chức đã phải chật vật xin tài trợ cho buổi diễn kèm hàng chục buổi tập của dàn nhạc và nghệ sĩ lên tới hơn 100 người. Nhạc sĩ Dương Thụ với tâm huyết của một người làm nghề muốn đưa âm nhạc Việt Nam chất lượng cao đến với công chúng. Nhưng sức ông chỉ làm được một chương trình như thế. Lý do không phải ở chuyên môn mà ở kinh phí!

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng nhiều lần tâm sự, thật buồn cho bản thân khi một tác phẩm được sáng tác, nung nấu, chỉnh sửa mất 3-4 năm mới xong, nhưng rồi thường phải xếp xó. Ngoài việc tự mình bỏ tiền ra, mời cả dàn nhạc, ca sĩ luyện tập hay tổ chức biểu diễn thì rất ít cơ may tác phẩm đến được với một nhóm khán giả nào đó, chưa nói đến việc phổ biến tới công chúng. Điều đó làm ông và bản thân các nghệ sĩ khác cũng mất dần động lực sáng tạo. Nhiều nghệ sĩ chân chính đã buông xuôi, nhiều tác phẩm hay bị "chìm" là một thực tế rất đỗi bình thường trong làng nhạc Việt, nhất là ở tác phẩm của dòng nhạc giao hưởng, thính phòng, đòi hỏi cao về trình độ nghệ sĩ và cả trình độ khán giả.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường thực ra sáng tác rất nhiều tác phẩm thuộc dòng nhạc giao hưởng, thính phòng, mà như ông kể, mỗi tác phẩm ông đều phải trăn trở đầu tư, suy nghĩ sáng tác nhiều tháng, nhiều năm và dù rất ưng về chất lượng nhưng ông đều phải xếp chúng lại, nhường chỗ cho các ca khúc ông sáng tác nhanh, dễ dãi hơn. Đau đáu nhiều, nhạc sĩ Nguyễn Cường mở một CLB nhạc giao hưởng, thính phòng để thỏa mãn mình và đưa thứ âm nhạc bác học, đỉnh cao ấy đến công chúng, nhưng cũng chỉ ít khán giả biết tới. Nhạc sĩ Quốc Bảo có rất nhiều tác phẩm, chương trình nổi bật ở mảng giải trí nhưng khi ông lao tâm cả năm trời sáng tác, dàn dựng thanh xướng kịch "Lụa" - một hình thức nghệ thuật ít được biết đến ở Việt Nam, ông chỉ rụt rè tổ chức một buổi diễn trên sân khấu nho nhỏ. Ông tâm sự là do thiếu kinh phí làm lớn và cũng khó để tác phẩm được phổ biến rộng rãi.

Theo quan điểm của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, một nền âm nhạc lành mạnh, có tác dụng tích cực với công chúng phải ưu tiên phát triển, phổ biến các dòng nhạc chính thống như giao hưởng, thính phòng, dân gian, nhạc nhẹ... đạt chuẩn mực về âm nhạc. Còn các dòng nhạc khác chỉ là phụ trợ cho đa dạng, phong phú thêm nền nghệ thuật nước nhà. Thế nhưng, ít ai biết, các nghệ sĩ ở Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam hay Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam theo quy chế chỉ được nhận vài chục nghìn một buổi tập. Mỗi chương trình để biểu diễn được thì dàn nhạc, nhóm nghệ sĩ phải tập luyện ít nhất 10 buổi, thậm chí cả tháng nhưng khán giả chỉ là con số vài trăm, thậm chí vài chục. Trong khi nhiều ca sĩ hiện nay chỉ cần phấn son, quần áo, lên sân khấu uốn éo nhảy nhót, khều khào vài câu hát, thậm chí hát nhép và sai lời đã có thể "đút túi" vài chục triệu, có khi tới hàng trăm triệu đồng, được hàng vạn khán giả biết tới.

Một nền âm nhạc với những nghịch lý "chuộng ảo - lơi thật" như thế rất đáng cảnh báo và cần phải điều chỉnh quyết liệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc Việt - Chênh vênh trong nghịch lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.