(HNM) - Với những người trẻ tuổi như chúng tôi, tên tuổi nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô gắn với hình ảnh người thương nhân nức tiếng đất Hà thành một thời.
Trong bối cảnh ngân sách trung ương còn vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng Đông Dương, quỹ của Trung ương Đảng chỉ còn 24 đồng, gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô đã đóng góp tổng cộng hơn 5 nghìn lượng vàng cho ngân sách trong những ngày đầu đất nước giành được độc lập.
Ông Trịnh Văn Bô. |
Những năm đầu thế kỷ XX, thương hiệu Phúc Lợi của gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ đã nổi danh trong giới công thương đất Hà thành. Kế thừa truyền thống kinh doanh của gia đình họ Trịnh, hai ông bà đã khởi đầu sự nghiệp kinh doanh với mặt hàng tơ lụa. Hàng hóa của cửa hiệu Phúc Lợi ngày đó không chỉ phục vụ người Việt mà góp mặt ở khắp Đông Dương đưa gia đình ông Trịnh Văn Bô thời đó là một trong những thương gia giàu có nhất nhì đất Hà thành.
Với triết lý "Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức", gia đình ông Trịnh Văn Bô đã tích cực làm từ thiện từ những năm trước cách mạng. Tháng 11-1944, hai cán bộ Việt Minh đã đến vận động gia đình ông đi theo cách mạng. Kể từ đó, căn nhà 48 phố Hàng Ngang quanh năm buôn bán náo nhiệt của gia đình đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Việt Minh khi từ chiến khu về Hà Nội.
Nhớ về những tháng năm lịch sử trước ngày Tết Độc lập, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ kể lại: Chiều ngày 29-3-1945, anh Cát (bí danh của ông Khuất Duy Tiến) đã đến gặp vợ chồng tôi nói chuyện. Ông nhà tôi hăng hái xin đi theo cách mạng, nhưng anh Cát nói rằng, cô chú ở lại có lợi cho cách mạng hơn. Công tác vận động, tuyên truyền, quyên góp ủng hộ cũng là làm cách mạng. Việt Minh giờ cần nhiều tiền lắm, nói thật là 5 xu mua báo cũng khó vì quỹ chỉ có mấy trăm bạc. Khi ấy, chúng tôi hứa ủng hộ 1 vạn đồng Đông Dương, một tuần sau giao tiền. Hết một tuần mà tiền hàng gom không đủ, tôi bán giá gốc 17 hòm tơ, mỗi hòm 20 buộc, mỗi buộc 5kg mới đủ 1 vạn tiền ủng hộ. Trong vòng 3 tháng sau đó, gia đình tiếp tục ủng hộ Việt Minh 8,5 vạn tiền Đông Dương, tương đương 212,5 lượng vàng.
Là thành viên chủ chốt trong Ban vận động "Tuần lễ Vàng", gia ông bà Trịnh Văn Bô góp thêm 117 lượng vàng. Với uy tín và quan hệ trong giới kinh doanh, ông bà đã vận động các thương nhân ủng hộ Việt Minh trên 1.000 lượng vàng… Tổng số tiền và vàng gia đình đã đóng góp cho cách mạng lên tới 5.147 lượng, tương đương 40% tổng tài sản của gia đình lúc đó. Song theo bà Hoàng Thị Minh Hồ. Tiền ủng hộ tuy nhiều, nhưng cái quý giá nhất tôi nghĩ chính là việc chúng tôi đã bảo vệ lãnh tụ Hồ Chí Minh trong suốt thời gian dài cùng nhiều cán bộ cao cấp của Đảng về làm việc ở nhà tôi mà không xảy ra sự cố nào.
Nhớ lại những ngày lịch sử, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ cho biết: Cuối tháng 8-1945, đồng chí Trường Chinh đón Bác Hồ về 48 Hàng Ngang. Tự tay bà quán xuyến lo chu toàn các bữa ăn cho Bác và cán bộ Việt Minh để bảo đảm giữ bí mật, an toàn. Toàn bộ tầng hai của căn nhà được bố trí làm nơi ở và làm việc của Bác Hồ cùng nhiều cán bộ cao cấp của Đảng... Một mặt, bà vẫn lo toan buôn bán như ngày thường, mặt khác tích cực chuẩn bị y phục cho lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời trong ngày Lễ Độc lập 2-9. Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã mặc y phục của ông Trịnh Văn Bô trong ngày Lễ Độc lập. Y phục của Chủ tịch Hồ Chí Minh là do hiệu buôn Phúc Lợi cung cấp vải. "Hôm Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào và đọc Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình, tôi được bố trí đứng sát lễ đài. Nước mắt tôi lặng lẽ chảy trên má vì khi nhìn lên kỳ đài, tôi không ngờ ông cụ ở gác hai nhà mình lại là Chủ tịch Hồ Chí Minh đang dõng dạc đọc Tuyên ngôn độc lập" - bà Hồ xúc động kể lại.
Sau ngày Quốc khánh, ban ngày Bác Hồ làm việc ở Phủ Chủ tịch, tối vẫn về ở 48 Hàng Ngang, vẫn gần gũi, thân tình như "ông cụ ở quê lên chơi". Theo lời kể của bà Hoàng Thị Minh Hồ và con trai của ông Trịnh Văn Bô, thời gian này, Bác đã nhờ ông bà chuẩn bị tiệc chiêu đãi tướng quân Tưởng khi họ rút 20 vạn quân khỏi nước ta. Gia đình đã bán phá giá một lượng lớn tơ lụa để phục vụ sự kiện này. Từ tháng 3-1945 đến tháng 5-1946, gần như toàn bộ chi tiêu, ăn mặc, tiếp khách của Nhà nước đều do gia đình ông bà Trịnh Văn Bô cung cấp.
68 năm đã trôi qua sau Tết Độc lập đầu tiên, cụ ông Trịnh Văn Bô qua đời đã lâu. Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ đã tròn 100 tuổi, vẫn mạnh khỏe, minh mẫn, sống giản dị bên con cháu. Trong không khí hướng về ngày Tết Độc lập, Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thành những khâu cuối cùng để giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách "Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.