Nhà Trắng ngày 3/8 đã từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tiến hành đối thoại trực tiếp với người đồng cấp Mỹ Barack Obama, đồng thời cho rằng Tehran không nghiêm túc trong việc đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này.
Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs nói: "Chúng tôi luôn nói rằng sẵn sàng đàm phán và thảo luận về chương trình hạt nhân bất hợp pháp của Iran nếu Tehran nghiêm túc. Song cho tới nay sự nghiêm túc đó vẫn chưa thấy đâu."
Trước đó, ngày 2/8, Tổng thống Ahmadinejad đã chỉ trích người đồng nhiệm Mỹ về việc bỏ lỡ "các cơ hội lịch sử" để hàn gắn mối quan hệ đổ vỡ với Iran và đề xuất tiến hành thảo luận với ông Obama. Theo kế hoạch, ông Ahmadinejad sẽ tới New York để dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng tới.
Trong một diễn biến liên quan Iran, nhằm tiếp tục gia tăng sức ép đối với chương trình hạt nhân của Iran, ngày 3/8 Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 21 công ty do Chính phủ Iran làm chủ hoặc kiểm soát.
Bộ Tài chính Mỹ đã nêu tên một loạt công ty hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, khai khoáng... được cho là hậu thuẫn Iran với cáo buộc Tehran đang cố gắng tìm cách né tránh các biện pháp trừng phạt của cộng động quốc tế bằng việc dựng lên các công ty kinh doanh không minh bạch.
Những công ty này bao gồm hai ngân hàng có trụ sở ở Belarus, hai hãng đầu tư ở Đức, các công ty khai khoáng và cơ khí ở Nhật Bản, Đức, Luxembourg, Italy và Iran. Lệnh trừng phạt mới của Mỹ cấm tất cả các doanh nghiệp và người dân Mỹ hợp tác kinh doanh với những công ty này.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố biện pháp trừng phạt các cá nhân và các nhóm bị Mỹ coi là khủng bố và có quan hệ với Iran, trong đó có các nhóm Hezbollah, Hamas, Thánh chiến Hồi giáo (Islamic Jihad) và Taliban.
Các thành viên cao cấp của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cũng nằm trong số những cá nhân bị nêu tên, trong đó có Mohammad Reza Zahedi và Hossein Musavi - một chỉ huy bị Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc đã "cung cấp tài chính và hỗ trợ vật chất cho Taliban."
Bộ này cũng cáo buộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran mượn cớ điều hành viện trợ ở Iraq, Afghanistan và Lebanon để hoạt động gián điệp và cung cấp tài chính cho các nhóm phiến quân.
Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách tình báo tài chính và chống khủng bố Stuart Levey nêu rõ: "Do Iran ngày càng bị cô lập khỏi các hệ thống thương mại và tài chính quốc tế, nên chính phủ nước này sẽ tiếp tục các nỗ lực né tránh các lệnh trừng phạt. Những nỗ lực này bao gồm sử dụng các công ty do nhà nước sở hữu trên toàn thế giới mà rất khó xác định đó là công ty của Iran để thúc đẩy các giao dịch hỗ trợ cho các họat động bất hợp pháp của họ."
Đây là động thái mới nhất trong các nỗ lực của Mỹ nhằm buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân mà các nước phương Tây cáo buộc là nhằm mục đích sản xuất vũ khí nguyên tử.
Cùng ngày 3/8, các thành viên Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã nhất trí sẽ áp đặt trừng phạt bổ sung Iran do chương trình làm giàu urani và phát triển hạt nhân của nước này.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada cho biết Tokyo sẽ áp đặt một gói các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran, bao gồm việc phong tỏa tài khoản của 40 tổ chức và cá nhân liên quan tới chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Tehran.
Các biện pháp này cũng sẽ ngăn cản việc chuyển tiền cho các tổ chức cung cấp tài chính cho Tehran phát triển vũ khí thông thường, đồng thời không cho phép các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân được đầu tư vào Iran cũng như yêu cầu các tổ chức tài chính giám sát chặt chẽ các khoản tiền nghi ngờ có liên quan tới Iran./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.