Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà thơ Thái Thăng Long: Vẫn mãi tìm tinh hoa Hà Nội

Hà Diệu| 17/10/2010 08:01

(HNM) - Nhà thơ Thái Thăng Long tên thật là Thái Gia Trí, sinh ở Đội Cấn, Ba Đình, gia tộc Hà Nội chính gốc 6 đời. Ông vào chiến trường B2 - Nam bộ, trở thành chiến sĩ đặc công với nhiều thành tích. Nhưng công chúng biết nhiều đến ông lại là từ những bài thơ viết về Hà Nội, những ca khúc về Hà Nội phổ thơ ông.

Nhà thơ Thái Thăng Long.


Thân ở Sài Gòn 35 năm nhưng hồn luôn hướng về Hà Nội. "Một Hà Nội sâu lắng, đằm thắm, da diết, nồng nàn, day dứt, đau đáu, mọi góc cạnh, ngóc ngách trong ký ức: Là một sáng xuân lây phây mưa phùn như dệt những ám ảnh, một đêm hè với tiếng ve kêu như bản nhạc mùa bất tận, một cơn gió heo may phảng phất trong trời thu mang nỗi nhớ bâng khuâng, một chiều đông rét ngọt như que kem trong ký ức…", nhà thơ Thái Thăng Long bộc bạch chân tình mà như rút ruột tình yêu Hà Nội của mình.

- Có nhiều bài thơ về Hà Nội, đã khi nào ông cảm thấy thỏa mãn?
- Chưa đâu, tôi vẫn muốn thể hiện một Hà Nội nhiều chiều, đặc biệt là chiều sâu tâm hồn, để bất kỳ ai, cho dù không phải là người Hà Nội vẫn có thể hiểu và cảm nhận được cái hồn của Hà Nội. Như các bài thơ "Chợ Bưởi", "Ô Quan Chưởng", "Tiếng chày Yên Thái", "Chiều Phủ Tây Hồ", "Hà Nội - Thăng Long nghìn năm rồng bay lên"…

- Những bài thơ về Hà Nội của ông mang nhiều suy tư, trăn trở với hiện tại, nhiều hồi ức hoài niệm của ngày xưa… nhưng hình như thiêu thiếu những dự đoán hay ước vọng tương lai?
- Tương lai là chính những khát vọng của quá khứ và hiện tại. Nếu không có một hoài niệm về Hà Nội xưa, làm sao có thể suy nghĩ về Hà Nội tương lai và phác được một Hà Nội của tương lai chính xác như thế nào. Tôi viết tương lai Hà Nội ẩn trong những hình ảnh của ngày xưa, mà thật ra cũng chưa xưa lắm, chỉ non nửa thế kỷ trở lại, trong nỗi nhớ Hà Nội như lắng trong từng tế bào của tôi, một người Hà Nội. Tôi đã nghĩ sẽ làm một bài thơ mang tên "Hà Nội có Thạch Lam".

- Vì thế ông viết tập thơ "Đồng hành thế kỷ" với bài mở đầu "Sông Hồng thần thánh"?
- Vâng, đúng thế. Sông Hồng, hay dòng sông của lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, mang trong mình sự linh thiêng huyền thoại cả một chiều dài dựng nước bi tráng mà oai hùng, là dòng sông của tình yêu dệt gấm vóc cho Hà Nội và cả một miền châu thổ trù phú… Là dòng sông mang tâm hồn Việt, dòng sông của ký ức, hiện tại và tương lai.

Nó cũng là một tập thơ mang khát vọng của tôi cho một Hà Nội đẹp hơn, cho non sông luôn trường tồn vững mạnh.

- Ngay bây giờ, ngay lúc này, ông nghĩ về Hà Nội như thế nào?
- Vẫn là những phố cổ ẩn mình trong những tán lá xanh, là tiếng tàu điện leng keng xung quanh hồ Gươm, là cái hoang vu lãng đãng của hồ Tây, là nét thâm nghiêm u tịch của những ngôi chùa cổ bên những hồ sen thanh tịnh… Nhưng đan xen vào là những cái nhoi nhói khi đối diện với một Hà Nội hôm nay hỗn tạp, ồn ào, hơi xô bồ… thậm chí cả vô cảm, mất đi những nét tinh túy xưa.

Và tôi sẽ vẫn mãi tìm tinh hoa của Hà Nội thể hiện trong thơ của mình.

- Với riêng ông, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã qua có ý nghĩa gì?
- Tôi dị ứng với những gì "ăn theo" chữ "Đại lễ Thăng Long - Hà Nội 1000 năm". Tôi chỉ mong những giá trị thực về một Thăng Long - Hà Nội nói riêng, dân tộc Việt nói chung được lưu giữ và phát huy, đừng để Đại lễ qua đi, rồi mọi thứ bị lãng quên, hay bị biến dạng.

- Xin cảm ơn ông và chúc ông thành công hơn nữa với những thi phẩm về Hà Nội!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà thơ Thái Thăng Long: Vẫn mãi tìm tinh hoa Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.